Quy hoạch công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
Khu vực này được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, có giá trị về di sản địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa các dân tộc bản địa mang ý nghĩa quốc gia và quốc tế.
Công viên này thu hút khoảng 0,5 triệu lượt khách du lịch năm 2013, dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 2,3 triệu lượt khách/năm và kỳ vọng đến năm 2030 sẽ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách/năm.
Bởi vậy, nhiệm vụ quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ thực hiện theo giai đoạn quy hoạch đến năm 2030, trong đó có định hướng phát triển cho giai đoạn đến năm 2020.
Phạm vi lập quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn gồm bốn huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ của tỉnh Hà Giang với diện tích tự nhiên khoảng 235.680ha, dân số năm 2013 khoảng 265.000 người và dự kiến sẽ tăng lên thành 300.000 người vào năm 2020 và khoảng 330.000 người vào năm 2030.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, nhiệm vụ quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn có tính đến tính chất đặc thù riêng bởi đây là khu du lịch quốc gia, đầu mối thúc đẩy phát triển du lịch miền núi Bắc Bộ để từ đó phát triển kinh tế nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng và ổn định chính trị một cách bền vững toàn vùng Bắc Bộ. Ngoài ra, đây cũng là vùng nguyên liệu nông, lâm sản, dược liệu gắn với công nghiệp chế biến công nghệ cao.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là quy hoạch xây dựng phải gắn với bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa tại Cao nguyên đá Đồng Văn để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Việc quy hoạch xây dựng vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030 sẽ phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng kinh tế-xã hội, dân số, lao động, các đô thị và điểm dân cư nông thôn, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, môi trường.
Cùng đó là phân vùng và định hướng phát triển không gian như: Các công viên chuyên đề (Công viên địa văn hóa, Công viên khoa học địa chất, Công viên địa sinh học); các đô thị-trung tâm du lịch (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Tam Sơn) và các thị trấn khác; mạng lưới điểm dân cư nông thôn; cơ sở kinh tế, đặc biệt là cơ sở phục vụ phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch; các vùng nguyên liệu nông, lâm sản, dược liệu, các khu vực khác.
Quy hoạch chung xây dựng các đô thị – trung tâm du lịch sẽ bao gồm thị trấn Đồng Văn là Trung tâm du lịch văn hóa lịch sử; thị trấn Mèo Vạc – Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu; thị trấn Yên Minh – Trung tâm du lịch sinh thái, đô thị xanh; thị trấn Tam Sơn – Trung tâm du lịch, vui chơi giái trí (Quản Bạ).
Quá trình thực hiện nhiệm vụ quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ tập trung phân tích, đánh giá hiện trạng, điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, dân số, lao động, sử dụng đất đai, kiến trúc cảnh quan, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đô thị.
Từ đó có định hướng phát triển không gian đô thị gồm các khu vực bảo tồn, tôn tạo, các khu chức năng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là dịch vụ, thương mại, du lịch, các khu trung tâm hành chính, giáo dục đào tạo, y tế, khu ở, công viên, cây xanh tự nhiên, các khu chức năng khác.
Đặc biệt, thiết kế đô thị, cần chú trọng gìn giữ, phát huy các đặc trưng về không gian, cảnh quan, kiến trúc truyền thống tại khu vực.
Việc quy hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn sẽ đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tránh tình trạng xây dựng manh mún, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường. Đồng thời có phương án, đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và các nguồn lực thực hiện; xác định các nội dung cần kiểm soát và đề xuất quy định quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch.
Ý kiến ()