Quy định về cửa hàng tiện lợi: Không 'đẻ thêm' điều kiện kinh doanh
Bộ Công Thương sẽ rà soát, sửa đổi dự thảo Thông tư về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại, tránh để phát sinh các quy định có thể gây hiểu nhầm là điều kiện đầu tư kinh doanh.
Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại của Bộ Công Thương đưa ra mới đây đã nhận được nhiều ý kiến góp ý.
Đáng chú ý, quy định cửa hàng tiện lợi sẽ được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân. Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m được cho là còn bất cập, chưa sát thực tế.
Về phía Bộ Công Thương, trao đổi với phóng viên, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, tránh để phát sinh các quy định có thể gây hiểu nhầm là điều kiện đầu tư kinh doanh.
Ngăn tình trạng “treo biển” tự phong
– DMục đích, quan điểm đặt ra khi xây dựng dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại là gì, thưa bà?
Bà Lê Việt Nga: Giai đoạn 2010-2021, số lượng siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh: Từ 567 siêu thị, 95 trung tâm thương mại (năm 2010) lên 1.167 siêu thị và 254 trung tâm thương mại (năm 2021).
Tốc độ phát triển của 2 loại hình này cao hơn nhiều so với tốc độ phát triển của chợ: Bình quân giai đoạn 2010-2021, siêu thị tăng 10,6%; trung tâm thương mại tăng 16,7%. Đặc biệt, số lượng cửa hàng tiện lợi của các chuỗi những năm gần đây tăng lên nhanh chóng. Tính đến nay, số lượng siêu thị tăng 89% so với năm 2005, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, theo hướng văn minh hiện đại.
Tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hội viên dạng nhà kho) chiếm khoảng 38%-42% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nền kinh tế.
Vì vậy, việc phát triển và quản lý các loại hình hạ tầng thương mại trong thời gian tới đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện Chiến lược phát triển thương mại nêu trên.
Tuy nhiên, tới nay Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM đã bộc lộ nhiều hạn chế và có nhiều ý kiến đề xuất xây dựng văn bản thay thế. Việc ban hành văn bản thay thế Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước đồng thời cũng giúp người tiêu dùng nhận biết, phân biệt các loại hình bán lẻ đang phát triển mạnh đồng thời ngăn chặn tình trạng lạm dụng trong việc gọi và đặt tên, treo biển (tự phong).
Bên cạnh đó, Thông tư nhằm góp phần phát triển các loại hình hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng của Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”
Các quy định trong dự thảo Thông tư không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác. Nội dung quy định tại Thông tư không phát sinh thủ tục hành chính, điền kiện đầu tư, kinh doanh mà giúp hướng dẫn định hướng trong phát triển các loại hình hạ tầng thương mại…
Bãi bỏ các tiêu chí không phù hợp
– Khi xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật thì điều doanh nghiệp lo ngại nhất chính là phát sinh thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh. Vậy cơ quan soạn thảo sẽ xử lý vấn đề này thế nào?
Bà Lê Việt Nga: Như đã đề cập ở trên, quan điểm khi xây dựng dự thảo Thông tư là không phát sinh thủ tục hành chính, điền kiện đầu tư, kinh doanh. Do đó, các quy định phát sinh thủ tục hành chính tại Quyết định số 1371/2004/QĐ-BCT đã được chúng tôi rà soát, bãi bỏ.
Cụ thể, bỏ quy định về phê duyệt nội quy của Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương) tại khoản 4, Điều 8, Quyết định 1371/2004/QĐ-BCT.
Về điều kiện kinh doanh, trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, tránh để phát sinh các quy định có thể gây hiểu nhầm là điều kiện đầu tư kinh doanh, nhằm bảo đảm đúng mục đích, quan điểm như đã đề ra là Nội dung quy định tại Thông tư không phát sinh thủ tục hành chính, điền kiện đầu tư, kinh doanh.
– Dự thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của các đơn vị, các chuyên gia… Trong đó quy định về cửa hàng tiện lợi được quan tâm. Đặc biệt, dư luận băn khoăn quy định về tiêu chí cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tiện lợi, trung tâm outlet [các cửa hàng bán lẻ trực tiếp những sản phẩm chính hãng do công ty sản xuất-pv]: “Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m.” Xin bà giải thích rõ hơn về tiêu chí này?
Bà Lê Việt Nga: Quy định về cửa hàng tiện lợi được dự thảo trên cơ sở nghiên cứu tài liệu của một số nước và nghiên cứu của chuyên gia trong nước.
Theo đó, quy định “Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m” tại dự thảo Thông tư (Điều 5. Tiêu chí cửa hàng tiện lợi) không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ/khách mua của loại hình cửa hàng tiện lợi như ý kiến phản ánh trên báo chí cũng như “cách hiểu” của một số chuyên gia.
Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.
Hiện nay vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến đối với bản dự thảo. Một số ý kiến phản ánh qua báo chí cũng phù hợp với ý kiến góp ý của một số địa phương và Tổ soạn thảo đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh sửa.
Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện. Các tiêu chí không phù hợp sẽ được xem xét, bãi bỏ. Cùng với ý kiến của các tổ chức, cá nhân, tới đây, Tổ soạn thảo cũng sẽ tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, các tổ chức liên quan… sau đó sẽ hoàn thiện, báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét ban hành Thông tư theo quy định của pháp luật hoặc bãi bỏ Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM nếu nhiều nội dung không còn phù hợp.
Thúc đẩy lưu thông hàng hóa theo hướng văn minh hiện đại
– Xin bà “bật mí” những điểm đáng lưu ý trong bản dự thảo tiếp theo?
Bà Lê Việt Nga: Để bảo đảm tính minh bạch, công khai, dân chủ trong quá trình xây dựng Thông tư, Bộ Công Thương đã có văn bản lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cụ thể: Văn phòng Chính phủ, một số bộ/ngành, Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; VCCI; một số hiệp hội có liên quan trong đó có Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương để các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến.
Dự thảo Thông tư sẽ tập trung làm rõ đối tượng, phạm vi áp dụng. Việc có được những tiêu chí xác định, nhận dạng đối với các loại hình hạ tầng thương mại mới mà hiện chưa có tiêu chí sẽ tạo điều kiện cho các địa phương trong công tác quy hoạch, triển khai thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, các loại hình mà địa phương cần thu hút tập trung thu hút đầu tư phát triển trong thời gian tới.
Điều này sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hóa theo hướng văn minh hiện đại, đem lại các tiện ích cho người tiêu dùng, nhằm đạt được mục tiêu đặt ra tại Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (đến năm 2030, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hội viên dạng nhà kho) chiếm khoảng 38%-42% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nền kinh tế).
– Xin cảm ơn bà./.
Ý kiến ()