Quy định rõ chế tài xử lý trong thực hiện kiến nghị sau giám sát
Một số kiến nghị đã được các đại biểu đề xuất tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 sáng 4/11.
Có chế tài xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện kiến nghị giám sát; xác định trách nhiệm cụ thể của Hội đồng Nhân dân trong triển khai giám sát của Quốc hội; tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, nội dung tập trung vào một số lĩnh vực: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch COVID-19…
Đây là một số kiến nghị được các đại biểu đề xuất tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 diễn ra vào sáng 4/11.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.
Hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đánh giá hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã có nhiều đổi mới cả về phương thức, nội dung và quy trình tổ chức thực hiện. Giám sát chuyên đề của Quốc hội tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, rõ nét với những chuyên đề liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân.
Nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát được các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Công tác phối hợp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội với chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Bà Phùng Thị Hồng Hà cũng cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thể hiện rất cao trách nhiệm trong công tác phối hợp tổ chức với 33 chuyên đề giám sát; trong đó có 5 Đoàn giám sát của Quốc hội, 6 Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 22 Đoàn giám sát, khảo sát của các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời phối hợp, tham gia cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức 13 đoàn giám sát, khảo sát làm việc với cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô.
Các nội dung giám sát chuyên đề được thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, các vấn đề an sinh được cử tri quan tâm.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề trong công tác phối hợp của Hội đồng Nhân dân Thành phố tại các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế, các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân), xác định trách nhiệm cụ thể của Hội đồng Nhân dân đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Trong xây dựng các luật chuyên ngành cần quy định rõ thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân, của Thường trực Hội đồng Nhân dân để đảm bảo Hội đồng Nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân, trong đó quy định các chế tài, hình thức xử lý cụ thể trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.
Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động giám sát, nội dung tập trung vào một số lĩnh vực: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch COVID-19; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; đồng thời tăng cường giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương về việc giải quyết các kiến nghị của địa phương và việc thực hiện các kết luận giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quả giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp…
Nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong công tác tiếp công dân
Trong năm 2022 Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành 4 giám sát chuyên đề, trong đó 2 giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác quy hoạch; 2 giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Khẳng định sự cần thiết của chuyên đề giám sát, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, chuyên đề giám sát thể hiện sự quan tâm của Quốc hội đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong 5 năm qua và ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Thông qua giám sát, làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan hành chính, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc cụ thể, đồng thời kịp thời tháo gỡ vướng mắc và từ đó có giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đây sẽ là cơ sở để Thanh tra Chính phủ chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương đã chỉ đạo trực tiếp, tham gia giám sát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài, phức tạp.
Đặc biệt, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cùng Thanh tra Chính phủ giám sát trực tiếp, tham gia giải quyết nhiều vụ việc dứt điểm, từ đó, trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu tố cáo theo thẩm quyền cũng như các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài được quan tâm thực hiện. Nhờ đó, tình hình khiếu nại, tố cáo có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, qua rà soát tại các tỉnh, thành phố thì vẫn còn 979 vụ việc đang được các địa phương tiếp tục giải quyết. Vì vậy, chuyên đề giám sát này sẽ giúp Chính phủ xem xét cụ thể về những vụ việc mà Chính phủ đã rà soát nhưng các địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Đây cũng là dịp tốt để tập trung xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị, trong quá trình giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các địa phương, Đoàn giám sát cần có sự phối hợp ngay từ đầu của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp đối với các vụ việc cụ thể.
Bởi vừa qua, các địa phương đã làm rất tích cực và đã có những số liệu cụ thể, nhưng khi trực tiếp giải quyết, nếu Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tại các địa phương vào cuộc ngay từ đầu, xác định rõ và cùng với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét, rà soát thì công tác giám sát sẽ có hiệu quả tốt hơn.
Tập trung giám sát những vấn đề lớn, bức xúc
Tham luận tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh khẳng định thời gian qua, hoạt động giám sát đã được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, bảo đảm việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo trật tự-an toàn xã hội, củng cố niềm tin vững chắc của cử tri, người dân vào hệ thống chính trị cũng như tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các nội dung giám sát tại địa phương khá phong phú và toàn diện, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm; đồng thời là căn cứ thực tiễn đánh giá sự phù hợp của các chính sách pháp luật vào thực tiễn cuộc sống.
Hình thức giám sát, biện pháp tổ chức hoạt động giám sát được thực hiện theo hướng phát huy dân chủ, nâng cao tính công khai, minh bạch, tăng tính chủ động, tích cực của các cơ quan thực hiện giám sát và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng chịu sự giám sát. Hoạt động giám sát đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của các cơ quan chịu sự giám sát, những chồng chéo giữa các luật, từ đó kiến nghị bổ sung, sửa đổi những quy định, những cơ chế, chính sách phù hợp.
Đối với tỉnh Nghệ An, trong năm 2020 và 10 tháng đầu năm 2021, Quốc hội và các cơ quan Quốc hội đã tổ chức các cuộc giám sát với các nội dung: thực hiện chính sách pháp luật về khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2011-2020; thực hiện các hiệp định thương mại tự do; thực hiện chính sách pháp luật về thú y…
Qua hoạt động giám sát, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng nhận thấy các Đoàn giám sát đã đánh giá chính xác, khách quan, kịp thời việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật và các chương trình, kế hoạch đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Trong thời gian tới, để việc tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát và bảo đảm chất lượng, tính trung thực trong việc xây dựng báo cáo, cung cấp số liệu liên quan đến chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các địa phương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám sát, làm rõ phạm vi, đối tượng giám sát tối cao, tăng cường tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của các hình thức giám sát, tập trung giám sát những vấn đề lớn, bức xúc trong đời sống kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, quy định cụ thể, rõ ràng về chế tài xử lý trách nhiệm dựa trên mức độ hoàn thành các kiến nghị giám sát; đẩy mạnh công tác “hậu giám sát” với 2 nội dung là xem xét việc thực hiện nghị quyết giám sát và xem xét việc thực hiện kiến nghị sau giám sát.
Ngoài ra, cần thông báo sớm cho các địa phương kế hoạch giám sát để tạo sự chủ động trong việc chuẩn bị triển khai phục vụ các Đoàn giám sát, bảo đảm hiệu quả, sát thực tế, đạt được mục đích đã xác định./.
Ý kiến ()