Quy định mức thu phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh
Đối với những khoản thu để mua quần áo đồng phục, quần áo thể dục – thể thao, phù hiệu học sinh, vở học tập mang tên trường… các cơ sở giáo dục cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh học sinh; phụ huynh học sinh tự lựa chọn và quyết định hình thức mua thích hợp. Những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh như: tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống… nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi bảo đảm nguyên tắc thu đủ bù chi. Đặc biệt, UBND tỉnh, thành phố quy định mức thu phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh theo điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh. Không tùy tiện lập các quỹ để ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính đồng thời có hình thức xử lý nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý thực hiện trái những quy định trên.
Quý III năm 2010, cả nước xảy ra 48 vụ ngộ độc thực phẩm
Theo báo cáo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), trong quý III năm 2010 cả nước xảy ra 48 vụ ngộ độc thực phẩm. Trong đó, số người mắc là 1.627 người, số người phải điều trị tại bệnh viện là 784 người, số người chết là 12 người. Như vậy, so cùng kỳ năm 2009, số vụ ngộ độc đã tăng lên chín vụ, số người tăng 721 người, số người chết tăng 10 trường hợp. Căn nguyên của các vụ ngộ độc chủ yếu là do vi sinh (chiếm 20,8%), do độc tố tự nhiên (chiếm 33,3%), do hóa chất (chiếm 6,3%) và không xác định được nguyên nhân (chiếm 39,6%).
Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện
Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo Xây dựng Chương trình đào tạo quản lý bệnh viện và ra mắt Trung tâm phát triển năng lực quản lý, khám, chữa bệnh.
Chương trình đào tạo quản lý bệnh viện được xây dựng trên cơ sở nhu cầu và sự cần thiết tăng cường năng lực quản lý trong bệnh viện. Cả nước hiện nay có gần 1.100 bệnh viện với khoảng 15 nghìn cán bộ trong các vị trí quản lý từ cấp khoa, phòng và lãnh đạo bệnh viện nhưng phần lớn chưa được đào tạo về quản lý bệnh viện. Chương trình đào tạo sẽ tăng cường năng lực cho các cán bộ chủ chốt của bệnh viện trở thành người quản lý và lãnh đạo có tầm nhìn, có kiến thức cập nhật về các chính sách y tế, có kỹ năng quản trị và điều hành các hoạt động của bệnh viện bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả, tăng cường sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế.
Cũng tại hội thảo, Cục Quản lý khám, chữa bệnh ra mắt Trung tâm phát triển năng lực quản lý khám, chữa bệnh nhằm tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý bệnh viện; tham gia nghiên cứu ứng dụng và tư vấn chuyển giao các mô hình và công nghệ trong quản lý bệnh viện.
29 cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại Đồng Nai phải di dời ra khỏi khu vực đô thị
Trước tình trạng nhiều cơ sở sản xuất không bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu đô thị trong thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh từ nay đến cuối năm phải phối hợp hoàn tất Đề án hỗ trợ cho các cơ sở di dời. Theo đó, sẽ có 29 cơ sở đang sản xuất, kinh doanh trong các khu đô thị phải di dời. Trong đó, TP Biên Hòa có 19 cơ sở, thị xã Long Khánh có bốn cơ sở, huyện Vĩnh Cửu có hai cơ sở, huyện Trảng Bom có ba cơ sở và huyện Xuân Lộc có một cơ sở. Lộ trình để các cơ sở phải di dời là hai năm, bắt đầu từ năm 2011 đến hết năm 2012. Để các cơ sở nhanh chóng được di dời, tỉnh Đồng Nai đã lên phương án tính toán quỹ đất cho các cơ sở này di dời đến. Cùng với đó là kinh phí hỗ trợ di dời, cho vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng hạ tầng và di chuyển công nhân đến nơi lao động mới.
Ý kiến ()