Quy định mới về xe tập lái sẽ có thay đổi gì?
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), quá trình thực hiện Nghị định số 65/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô, dịch vụ sát hạch lái xe và các văn bản sửa đổi đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Do đó, Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo đang được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định, được kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập và hạn chế hiện nay.
Điều 40 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về niên hạn sử dụng xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người có số người cho phép chở từ 9 người trở lên (không kể người lái xe). Theo đó, xe tập lái và xe sát hạch dùng để dạy lái xe và sát hạch lái xe các hạng C1, C, D1, D2 và D thuộc nhóm xe phải tuân thủ yêu cầu về niên hạn sử dụng.
Trong thực tế, theo Bộ GTVT, tỷ lệ xe tập lái dùng để giảng dạy các hạng C, hạng D và hạng E (tương đương hạng C1, C, D1, D2 và D) chiếm 15% tổng số xe dạy lái, 85% số xe tập lái còn lại (xấp xỉ 32.000 xe) hạng B không thuộc đối tượng áp dụng niên hạn xe ô tô. Tỷ lệ xe sát hạch dùng để giảng dạy các hạng C, hạng D và hạng E (tương đương hạng C1, C, D1, D2 và D) chiếm 28% tổng số xe sát hạch, 72% số xe sát hạch còn lại là hạng B xấp xỉ 2.424 xe hạng B. Thống kê cho thấy xe tập lái hạng B có tuổi đời trên 25 năm xấp xỉ 6.000 xe, chiếm 30% xe hạng B và xe sát hạch có tuổi đời trên 25 năm có khoảng 100 xe, chiếm 8% xe hạng B.
Lo ngại trước việc người điều khiển phương tiện chưa có đầy đủ kỹ năng điều khiển phương tiện nên khả năng xử lý tình huống đối với phương tiện cũ yếu tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trong quá trình thực hành lái xe, Bộ GTVT đề nghị xem xét quy định niên hạn sử dụng xe tập lái và xe sát hạch hạng B để hiện đại hóa cơ sở vật chất trong hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe là cần thiết. Cụ thể, dự thảo đề xuất xe tập lái hạng B và BE có niên hạn không quá 25 năm (tính từ năm sản xuất) theo quy định của Chính phủ quy định về cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy và niên hạn sử dụng của xe cơ giới. Xe tập lái được gắn 2 biển "TẬP LÁI" trước và sau xe theo mẫu quy định; có hệ thống phanh phụ được lắp đặt bảo đảm hiệu quả phanh, được bố trí bên ghế ngồi của giáo viên dạy thực hành lái xe. Ô tô tải sử dụng để làm xe tập lái hạng B phải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế từ 2.500-3.500kg với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo. Xe tập lái trên đường giao thông có thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe của học viên.
Bộ GTVT cho biết, điểm b và điểm e khoản 3 Điều 6 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sân tập lái như sau: "b) Cơ sở đào tạo lái xe ô tô có lưu lượng đào tạo 1.000 học viên trở lên phải có ít nhất 2 sân tập lái xe theo quy định; Diện tích tối thiểu của sân tập lái: Hạng B1 và B2 là 8.000m2; hạng B1, B2 và C là 10.000m2; hạng B1, B2, C, D, E và F là 14.000m2.". Thực tế triển khai thực hiện, số xe tập lái đào tạo thực hành trên sân tập lái tại một thời điểm (cách tính lưu lượng đào tạo) tối đa 80 xe hạng B tương đương với lưu lượng 400 học sinh. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều cơ sở đào tạo lái xe đầu tư xe tập lái, thuê giáo viên dạy lái đáp ứng yêu cầu về điều kiện theo quy định để đào tạo lái xe với lưu lượng trên 2.000 học viên nhưng không đầu tư sân tập lái đáp ứng lưu lượng đào tạo tương ứng do quy định về điều kiện sân tập lái đối với cơ sở đào tạo lái xe với lưu lượng trên 1.000 học viên chỉ mang tính định lượng, nên khó khăn cho công tác quản lý hoạt động nói trên. Vì vậy, để đảm bảo tính rõ ràng và minh bạch trong hoạt động đào tạo việc quy định cụ thể điều kiện sân tập lái cần đáp ứng cho mỗi đơn vị lưu lượng đào tạo là cần thiết, tránh tình trạng "lách luật" diễn ra trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, tại dự thảo, Bộ GTVT đề xuất quy định sân tập lái xe như sau: Sân tập lái xe thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe. Cơ sở đào tạo lái xe ô tô bố trí số lượng sân tập lái phù hợp với lưu lượng và chương trình đào tạo; số lượng sân tập lái tính theo đơn vị lưu lượng (dưới 1.000 học viên), mỗi đơn vị lưu lượng phải có ít nhất 1 sân tập lái. Dự thảo nêu rõ, sân tập lái xe ô tô phải có đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đủ tình huống các bài học theo nội dung chương trình đào tạo; kích thước các hình tập lái phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đối với từng hạng xe tương ứng. Bên cạnh đó, phải có nhà chờ, có ghế ngồi cho học viên học thực hành...
Ý kiến ()