Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2022.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.
Nghị định nêu rõ Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại gồm công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) và hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; quản lý Nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật.
Bộ Ngoại giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm của Chính phủ và các nghị quyết, dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hằng năm và các dự án, công trình quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Ngoại giao; trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Ngoại giao hoặc theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ban hành thông tư và các văn bản khác về quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Ngoại giao sau khi được phê duyệt; tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Ngoại giao… Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hoặc theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao gồm Vụ châu Âu; Vụ châu Mỹ; Vụ Đông Bắc Á; Vụ Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương; Vụ Trung Đông-châu Phi; Vụ Chính sách đối ngoại; Vụ Tổng hợp kinh tế; Vụ ASEAN; Vụ các Tổ chức quốc tế; Vụ Hợp tác kinh tế đa phương; Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO; Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế; Vụ Biên Phiên dịch đối ngoại; Vụ Thông tin Báo chí; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Cục Cơ yếu-Công nghệ thông tin; Cục Lãnh sự; Cục Lễ tân Nhà nước; Cục Ngoại vụ; Cục Quản trị Tài vụ; Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy ban Biên giới quốc gia; Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Học viện Ngoại giao; Báo Thế giới và Việt Nam; Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Các tổ chức quy định từ khoản 1 đến khoản 25 là các tổ chức giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; các tổ chức quy định từ khoản 26 đến khoản 27 là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Ngoại giao.
Các tổ chức quy định tại khoản 28 là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được Chính phủ thành lập và do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức thuộc Bộ, trừ các tổ chức quy định từ khoản 24 đến khoản 26.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2022./.
Ý kiến ()