Quy định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/NĐ-CP ngày 11/7, quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/NĐ-CP ngày 11/7, quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo Nghị định, có 5 hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, gồm:
Một là , đầu tư vốn nhà nước để thực hiện các dự án, công trình quan trọng của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Hai là , đầu tư vốn thành lập mới doanh nghiệp.
Ba là , đầu tư, bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp để mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh; đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường, phục vụ an ninh, quốc phòng.
Bốn là , đầu tư vốn nhà nước để duy trì quyền chi phối hoặc tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên.
Năm là , mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế.
Về mặt nguyên tắc, việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp là để tạo ra ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; đảm bảo phục vụ quốc phòng, an ninh; thực hiện điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng giai đoạn.
Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp phải đúng mục tiêu, có hiệu quả, phù hợp với từng dự án đầu tư và phải thực hiện công khai, minh bạch; phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát;…
Liên quan đến điều kiện đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Nghị định quy định rõ:
Đầu tư các dự án, công trình quan trọng của Nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm: Dự án có tổng vốn đầu tư từ 35 ngàn tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 11 ngàn tỷ đồng trở lên; dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 hécta trở lên; dự án, công trình phải di dân tái định cư từ 20 ngàn người trở lên ở miền núi, từ 50 ngàn người trở lên ở các vùng khác; dự án, công trình đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia;…
Đầu tư vốn nhà nước để thành lập mới doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ở những ngành, lĩnh vực, địa bàn sau: ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội, trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng; ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi đầu tư lớn; địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ chỉ thực hiện đối với các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ nhưng chưa được Nhà nước đầu tư đủ vốn điều lệ.
Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì hoặc tăng tỷ lệ vốn nhà nước đang tham gia tại các doanh nghiệp khác, bao gồm: các doanh nghiệp khác hoạt động kinh doanh cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích, trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng; các doanh nghiệp khác hoạt động kinh doanh có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế ngành, lãnh thổ và thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.
Việc mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác để thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, Nghị định mới ban hành của Chính phủ còn đưa những quy định liên quan đến việc quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó có các nội dung về quản lý và sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp; doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động kinh doanh; kế hoạch tài chính, chế độ kế toán, thống kê và kiểm toán. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2013.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()