Quy định cụ thể nguyên tắc, tiêu chí với từng gói chính sách
Sáng 7/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường, sáng 7/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Không chấp nhận bội chi, đi vay để sử dụng việc chưa cấp bách
Các đại biểu cho rằng đề án về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là sự gửi gắm niềm hy vọng của người dân, doanh nghiệp vào một tương lai tốt đẹp hơn nhưng cần cụ thể, rõ trách nhiệm hơn.
Theo các đại biểu, cần làm rõ cam kết đầu ra của đề án, bảo đảm việc thực hiện theo kết quả đầu ra. Đây là chuẩn mực, kinh nghiệm quốc tế và cũng là yêu cầu bắt buộc trong phân bổ, chi tiêu ngân sách.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chỉ rõ nếu không có cam kết về những kết quả đạt được thì khó có thể có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả sau này. Do đó, cần đưa ra những cam kết cụ thể, có thể có những sản phẩm hữu hình, có những kết quả vô hình nhưng đều có thể tính toán được.
Theo đại biểu, căn cứ Luật Đầu tư công và các Nghị quyết về phân bổ ngân sách, một trong những nguyên tắc quan trọng là tất cả nguồn lực được phân bổ phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện ràng buộc.
“Lần này, chúng ta phân bổ hơn 346.000 tỷ đồng cho nhiều mục tiêu khác nhau, có những mục tiêu được phân bổ trực tiếp, có những mục tiêu thông qua các công cụ khác như công cụ thuế, công cụ hỗ trợ lãi suất… Tuy nhiên, dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng cần nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách,” bà Mai phân tích và đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết những nội dung cụ thể về nguyên tắc tiêu chí tương ứng với từng gói chính sách.
Liên quan đến danh mục dự án, có ý kiến cho rằng, danh mục dự án cần bao quát mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, theo quan điểm của đại biểu, cần tập trung vào hai lĩnh vực cụ thể. Đó là những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất.
“Chúng ta không chấp nhận bội chi, không chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách,” đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cũng cho rằng Nghị quyết của Quốc hội là căn cứ pháp lý để thực hiện sau này, vì thế Nghị quyết cần bổ sung về đối tượng áp dụng chính sách; thời hạn hoàn thành; quy định cụ thể về trách nhiệm, thẩm quyền và cần quy định cụ thể lộ trình thanh toán nợ gốc; bổ sung những cam kết về sản phẩm đầu ra.
Nhấn mạnh Đề án trình Quốc hội lần này là chủ trương hoàn toàn đúng đắn nhưng đây cũng là công việc hết sức khó khăn, là thử thách, đòi hỏi trí tuệ và sự quyết tâm, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chỉ rõ cần có những bước đi thực sự vững chắc, không chịu áp lực bởi bất kỳ mục tiêu tăng trưởng hoặc mục tiêu thành tích. Điều cốt lõi cần đạt được là yếu tố thực chất và hiệu quả.
Tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ
Quan tâm chính sách liên quan đến người lao động và thị trường lao động, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết chỉ tính riêng quý 3/2021, cả nước đã có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch, trong đó hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm, hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, hơn 10 triệu người phải giãn, giảm giờ làm việc.
Biến thể Delta đã cuốn đi khoảng 1/4 mức lương bình quân tháng của người lao động vùng Đông Nam Bộ. Đồng lương của người lao động vốn đã không dư dả gì thì nay vì dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn.
Kết quả khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tư nhân với 43.000 lao động bị mất việc cho thấy gần 50% trong số này có nguồn tích lũy chỉ đủ để duy trì cuộc sống trong 1 tháng, 37% chỉ đủ duy trì cuộc sống cho 3 tháng và chỉ có hơn 4% là đủ duy trì cuộc sống cho trên 4 tháng.
Theo đại biểu, thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung và cầu lao động đều bị thu hẹp.
Cho đến nay, một lượng lớn lao động đã về quê nhưng chưa có nhu cầu quay trở lại vì còn e dè với dịch bệnh, nhiều người chọn phương án lập nghiệp tại quê nhà, nhiều người có tâm lý chờ qua Tết mới đi làm.
Trong khi đó, nhiều tỉnh có lao động trở về đang phải đối mặt với áp lực rất lớn về giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Điều này đã tạo ra một nghịch lý về lao động, nơi cần lao động thì không có, còn nơi có lao động thì rất khó để tìm việc làm.
Bên cạnh đó, dịch bệnh đã dẫn đến xuất hiện những nhóm tác động dễ bị tổn thương. Khác với các cuộc khủng hoảng trước đây, với sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, sự hạn chế đi lại và khả năng làm việc từ xa đã dẫn tới tình trạng cắt giảm một lượng lớn việc làm.
Lao động làm công việc giản đơn trở nên yếu thế trong đại dịch, tỷ lệ mất việc của nhóm này cao gần gấp đôi so với các nhóm khác, lao động có trình độ thấp, lao động là người lớn tuổi, lao động tự do rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm, kể cả những công việc có tính chất tạm thời.
Đáng chú ý, tính bền vững của quan hệ lao động đang có nguy cơ bị xâm phạm, do mất việc, nhiều lao động ở khu vực chính thức có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức, dẫn tới số lao động tự do tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, chiếm tới 57% tổng số lao động có việc làm.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc một lượng lớn lao động đang có việc làm nhưng không ổn định, thiếu tính bền vững, trong khi đó, những chính sách an sinh bảo hiểm, chế độ ốm đau, thai sản ở khu vực này rất hạn chế…
Nhấn mạnh đất nước đang trở lại trạng thái bình thường mới, để hồi phục và phát triển, đại biểu cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng nhất chính là vấn đề lao động.
Vừa qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều quyết sách chưa từng có tiền lệ, có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp.
Để đóng góp cho Nghị quyết, đại biểu kiến nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và đề nghị áp dụng cả với lao động chính thức, lao động khu vực phi chính thức.
Hiện nay, dự thảo đã dành khoảng 6.600 tỷ và chỉ dành cho người lao động chính thức là chưa phù hợp.
Đại biểu cũng kiến nghị dành khoản kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân; dành khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc.
Tháo gỡ các rào cản về thể chế
Nghiên cứu dự thảo Nghị quyết, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nhận định việc bố trí nguồn lực khá lớn, quy định thời gian thực hiện khá ngắn, chủ yếu trong 2 năm 2022-2023.
Do đó, theo đại biểu, trong triển khai thực hiện cần đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, quy định thứ tự ưu tiên, các nội dung cụ thể cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để đảm bảo tính khả thi.
Ngoài các giải pháp được quy định tại dự thảo Nghị quyết, đề nghị rà soát, bổ sung giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh việc rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, các quy định pháp luật còn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường xử lý kịp thời các công việc trên nền tảng trực tuyến.
Bên cạnh đó, quy định chặt chẽ công tác giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động đầu tư công, quản lý tài chính nhà nước.
“Đây là vấn đề rất quan trọng, không cần phải tốn nhiều kinh phí để đầu tư nhưng rất cần thiết thực hiện để kịp thời tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn. Các giải pháp này phải được triển khai thực hiện ngay,” đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) chỉ rõ đây là chương trình có quy mô lớn, với gần 350.000 tỷ đồng nên cần quan tâm đến giải pháp. Đồng tình với phương án huy động vốn trình Chính phủ, đại biểu đề xuất cần phải làm rõ dự kiến nguồn huy động trong nước, nguồn vốn vay nước ngoài là bao nhiêu. Theo quan điểm của đại biểu, nên huy động nguồn vốn trong nước là chính.
Về hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với giá trị 40.000 tỷ đồng, theo đại biểu, cần hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ một số lĩnh vực phải chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch như du lịch, vận tải hành khách, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống…
Đồng thời, đại biểu đề nghị ngành ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại cần cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận gói chính sách này.
Cùng với đó, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng doanh nghiệp, người dân vay không dùng vào mục đích phục hồi sản xuất mà đem đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản và một số lĩnh vực rủi ro khác./.
Ý kiến ()