Quy định có nhưng khó thực hiện
LSO-Để việc thu kinh phí công đoàn theo quy định mới được thuận lợi, Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp luật quy định về thu, chi tài chính công đoàn và mức xử phạt đối với các đơn vị vi phạm. Thế nhưng trên thực tế, đến thời điểm này, việc thu kinh phí công đoàn (KPCĐ) ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN) vẫn còn nhiều vướng mắc.
Cán bộ công đoàn ngành công thương tham gia tập huấn thu kinh phí công đoàn theo quy định mới |
Nhằm bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, Luật Công đoàn (sửa đổi) năm 2012 (có hiệu lực từ 1/1/2013) quy định tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều có nghĩa vụ trích nộp KPCĐ bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội dù cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã thành lập được tổ chức công đoàn hay chưa.
Để triển khai thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về thu chi tài chính công đoàn và Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với các đơn vị vi phạm quy định tài chính công đoàn. Mới đây nhất, ngày 30/6/2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) đã ban hành Hướng dẫn số 995/HD-TLĐ về việc công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự, giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tập thể trong đó có khởi kiện tranh chấp về KPCĐ. Theo đó, tổ chức công đoàn đã có đầy đủ hệ thống văn bản pháp luật kèm theo hướng dẫn xử phạt, khởi kiện đối với các đơn vị vi phạm. Thế nhưng đến thời điểm này, việc thu KPCĐ đối với các DNNNN vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Nguyên nhân là chủ các DNNNN chưa nắm được nội dung của các văn bản pháp luật này nên vẫn còn tình trạng thờ ơ, không tự giác trích nộp thậm chí là không hợp tác, không tạo điều kiện để cán bộ công đoàn gặp gỡ tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện. Mặt khác, những năm qua, tình trạng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp giải thể nên không nộp kinh phí theo đúng quy định. Vì thế, việc thu KPCĐ đối với các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn luôn gặp những khó khăn, nhiều công đoàn cấp trên cơ sở phải thu theo kiểu “vận động họ trích nộp được bao nhiêu thì nộp”. Còn đối với các DNNNN chưa có tổ chức công đoàn lại càng khó hơn. Và trên thực tế, từ khi các văn bản được ban hành đến nay, các cấp công đoàn cũng chưa có quyết định xử phạt nào đối với các đơn vị vi phạm nên không đủ sức răn đe.
Bà Hoàng Thị Dung, Chủ tịch LĐLĐ huyện Văn Lãng cho biết: Đến thời điểm này, toàn huyện có 9 công đoàn cơ sở DNNNN nhưng cũng mới có 2 đơn vị nộp kinh phí công đoàn được hơn 20 triệu đồng (đạt 29% chỉ tiêu) vì hoạt động của các doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí có 1 đơn vị giải thể. Còn DNNNN chưa có tổ chức công đoàn, việc nộp kinh phí công đoàn vẫn dừng lại ở con số không. Từ đó dẫn đến việc thu KPCĐ của khối DNNNN tại các đơn vị có tổ chức công đoàn năm 2015 cũng mới chỉ đạt 54% so với kế hoạch đề ra. Tính đến hết tháng 7/2016, mới có 4 DNNNN chưa có tổ chức công đoàn trích nộp với tổng số tiền hơn 34 triệu đồng (đạt 0,06% kế hoạch).
Trước thực trạng này, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng (Kho bạc Nhà nước, Thuế, Tài chính, Bảo hiểm xã hội) để nhắc nhở, đôn đốc thu KPCĐ. Bà Vũ Thị Vân Nga, Trưởng Ban Tài chính, LĐLĐ tỉnh cho biết: Thời gian tới, để triển khai thu KPCĐ đúng theo quy định, các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền. Đồng thời tăng cường phối hợp với cơ quan thuế để họ nhắc nhở, đôn đốc các DNNNN trong quá trình thanh, kiểm tra; xây dựng kế hoạch, chia làm 4 nhóm để tiếp cận doanh nghiệp thực hiện tuyên truyền, thu KPCĐ theo đúng quy định.
Thiết nghĩ để việc thu KPCĐ theo quy định được hiệu quả, cán bộ công đoàn các cấp cần quan tâm nắm bắt tình hình thực tế của từng địa phương, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để có biện pháp tiếp cận, tuyên truyền nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp để họ trích nộp KPCĐ đúng, đủ theo quy định. Từ đó góp phần tạo nên sự bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức. Đồng thời bổ sung nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động bảo vệ lợi ích cho người lao động, góp phần ổn định và phát triển doanh nghiệp.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()