Quy định chặt chẽ hơn về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư
Chiều ngày 21/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc Phiên họp thứ 25 với việc cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư công và Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành Phiên họp (Ảnh: TTXVN) |
Thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công, nội dung được các thành viên UBTVQH quan tâm nhất là vấn đề phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, khi thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6, đa số ý kiến thống nhất với việc phân cấp như quy định của Dự án Luật. Có ý kiến đề nghị, bổ sung thẩm quyền của Quốc hội đối với việc phê duyệt chiến lược đầu tư công dài hạn trong từng giai đoạn, quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư quan trọng quốc gia và nhóm A.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, so với quy định hiện hành về quản lý chương trình, dự án đầu tư công, Dự án Luật đã có những quy định mới, chặt chẽ hơn về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. Dự án Luật quy định, tất cả chương trình, dự án đầu tư công đều phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư thay vì hiện nay, chỉ có những chương trình, dự án quan trọng quốc gia mới phải được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Với số lượng các dự án đầu tư nhóm A đang triển khai và thực hiện mới hàng năm, việc quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư loại dự án này là hợp lý và khả thi, đồng thời cũng đảm bảo tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Do đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc Quốc hội phê duyệt danh mục chương trình, dự án quan trọng quốc gia và danh mục dự án nhóm A trong Kế hoạch đầu tư trung hạn như quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 49 về trình và giao kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ của cả nước.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh: Quốc hội chỉ tham gia về cách thức giải quyết tiến hành, còn điều hành cụ thể thuộc về trách nhiệm của Chính phủ, tạo thuận lợi để nhân dân và Quốc hội giám sát.
Còn theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, nên quy định Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sau khi xin ý kiến Quốc hội hoặc lấy ý kiến UBTVQH.
Nhấn mạnh đây là Dự án Luật được cử tri chờ đợi lâu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần làm rõ chủ thể, quyền hạn để xác định rõ trách nhiệm chứ không thể cứ quy trách nhiệm về Thủ tướng. Ngoài ra, Dự thảo cũng chưa đề cập đến thẩm quyền của tập thể UBND.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc phân định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là rất quan trọng; do đó, Luật này phải cụ thể hóa các tiêu chí phân loại dự án (nhóm A, B, C). Cơ quan dân cử chỉ quyết định chủ trương, không quyết định đầu tư. Cá nhân quyết định dự án là người điều hành và chịu trách nhiệm cụ thể.
Cũng trong chiều nay, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).
Theo CPV
Ý kiến ()