Quy định chặt chẽ, đúng nhu cầu các vị trí có quân hàm cấp tướng
Ngày 16-4, tại Hà Nội, tiếp tục chương trình làm việc, các Ủy viên ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã cho ý kiến chung quanh việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam.
Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày Tờ trình của Chính phủ, nêu rõ: Sau 15 năm thực hiện, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam cơ bản phù hợp, đã tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, còn có ý kiến khác nhau, một số quy định của luật chưa cụ thể, khó áp dụng. Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam là rất cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan, góp phần xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết: Chức vụ của sĩ quan cơ bản giữ như luật hiện hành, chỉ đổi tên Chỉ huy trưởng Vùng hải quân thành Tư lệnh Vùng hải quân để phù hợp với tổ chức mới và yêu cầu chỉ huy, quản lý, xây dựng lực lượng hải quân hiện đại, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan, mới quy định đối với chức vụ cơ bản, chưa quy định cụ thể các chức vụ, nhất là các chức vụ có cấp bậc quân hàm cấp tướng, do vậy cần bổ sung để “luật hóa” các chức vụ sĩ quan có cấp bậc quân hàm cấp tướng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Theo dự thảo luật, số lượng cấp tướng so với nhu cầu cấp tướng của các văn bản pháp luật đang thực hiện giảm khoảng 3,1%.
Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về nhiều nội dung đề cập trong dự thảo luật, trong đó nhấn mạnh yêu cầu quy định chặt chẽ, đúng nhu cầu các vị trí có quân hàm cấp tướng. Trong báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa nêu rõ: Dự thảo luật quy định một số chức vụ có trần quân hàm cấp tướng còn chưa đáp ứng được yêu cầu trên như: Cùng nhóm chức vụ cơ bản nhưng có trần quân hàm khác nhau, có chức vụ đại tá, có chức vụ thiếu tướng, cùng chức danh cục trưởng nhưng có nơi là trung tướng, có nơi là thiếu tướng.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần phải làm rõ vị trí có nhu cầu cấp tướng (đối với cơ quan phải có vị trí tham mưu chiến lược và chỉ đạo toàn quân, đối với đơn vị phải là lãnh đạo, chỉ huy của đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược…), theo đó cần xem xét một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu thì không quy định có nhu cầu cấp tướng như các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công.
Tham gia ý kiến phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Nguyên tắc cấp trên phải cao hơn cấp dưới, cấp trưởng phải cao hơn cấp phó, chức vụ tương đương sẽ có quân hàm tương đương theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, yêu cầu cần thống nhất và tuân thủ nguyên tắc này trong Luật Sĩ quan QĐND sửa đổi và Luật Công an nhân dân sửa đổi.
“Đối với Quân đội, đơn vị có tổ chức mô hình Chính ủy, Chính ủy và Tư lệnh có thể có cấp hàm bằng nhau, còn các đơn vị khác không nên quy định như vậy”- Chủ tịch QH nêu rõ.
Về thời hạn thăng quân hàm cấp tướng, Chủ tịch QH đề nghị nên quy định cụ thể trong dự thảo theo hướng rút ngắn thời hạn thăng quân hàm để trẻ hóa sĩ quan chỉ huy trong Quân đội. Dự thảo cũng nên quy định bổ nhiệm ngay trần cấp hàm đối với người được bổ nhiệm vào chức vụ mà chưa có cấp hàm phù hợp.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn và một số Ủy viên Ủy ban TVQH đề nghị cần nghiên cứu để bảo đảm thống nhất với Luật Công an nhân dân ở một số chức vụ, đặc biệt là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh. Liên quan đến việc thống nhất trần quân hàm giữa hai lực lượng Quân đội và Công an, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa, không nên so sánh việc bổ nhiệm chức vụ, quân hàm giữa Quân đội và Công an. Bởi vì Quân đội được tổ chức theo mô hình tác chiến liên địa bàn bao gồm bảo đảm an toàn vùng trời, vùng đất, lãnh thổ nên có đặc thù riêng.
Về chính sách lương trong Quân đội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với chủ trương tách lương ra khỏi quân hàm và cho rằng, cần đổi mới chính sách tiền lương theo hướng này, bảo đảm tiền lương được xác định theo vị trí việc làm và chức danh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhiều ý kiến các Ủy viên Ủy ban TVQH nêu một số quy định trong dự thảo Luật có liên quan chặt chẽ với các quy định của Hiến pháp, như: Thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng. Đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật; trong đó quy định chặt chẽ, cụ thể, phù hợp với các quy định của Hiến pháp và phù hợp với nhiệm vụ, thẩm quyền, mối quan hệ công tác của các cơ quan nhà nước đối với việc tổ chức QĐND trước khi trình QH tại kỳ họp thứ bảy.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()