Quy định cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh: Bất hợp lý - cần sửa đổi
Theo Luật KCB (năm 2011) và Thông tư 41/2011/TT-BYT “Hướng dẫn cấp CCHN đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB” thì tất cả những người hành nghề tại các cơ sở KCB công lập và tư nhân trong phạm vi toàn quốc (trừ người hành nghề tại các cơ sở KCB thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng) đều phải có CCHN khi hoạt động.
Việc có CCHN khi hoạt động chứng minh được cán bộ y tế đã được kiểm chứng về chuyên môn, đủ điều kiện KCB, giúp họ nâng cao trách nhiệm và giữ gìn y đức. CCHN cũng trở thành tiêu chí phấn đấu của mỗi người hoạt động KCB.
Bác sĩ khám, điều trị bệnh tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh
Tuy nhiên trong việc cấp chứng chỉ đang có những quy định bất hợp lý, gây khó khăn, trở ngại cho người KCB trên cả nước nói chung và Lạng Sơn nói riêng.
Nhiều người cho rằng CCHN là không cần thiết và càng không cần thiết với cán bộ y tế làm việc cho cơ sở KCB của nhà nước bởi đầu vào của cán bộ y tế được tuyển chọn khá kỹ.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Dinh, Giám đốc Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh cho rằng: việc cấp CCHN đối với người hoạt động KCB là hoàn toàn vô lý. Một cán bộ y tế nhất là người trước khi trở thành bác sĩ đã được đào tạo 6 năm đại học y. Vậy mà ra trường vẫn phải mất thêm ít nhất 18 tháng thực hành tại các cơ sở KCB thì mới được cấp CCHN. Như vậy là dù được đào tạo thành bác sĩ rồi mà ra trường, trúng tuyển vào làm tại cơ sở KCB thì người đó vẫn chưa được coi là bác sĩ nếu chưa có CCHN.
Một nhóm người phản ánh, trong quá trình xin cấp CCHN có quá nhiều quy định không hợp lý. Về thời hạn của chứng chỉ 5 năm cấp lại 1 lần gây phiền toái cho người được cấp. Với nhiều người, CCHN nên có giá trị vô thời hạn, trường hợp vi phạm có thể đình chỉ hoạt động. Ông Lương Doanh Các – cơ sở y học cổ truyền tư nhân tại thành phố Lạng Sơn bức xúc: “Nay tôi đã 61 tuổi, phải đổi CCHN tới 4 lần. Mỗi lần đổi rất khổ sở vì phải đi lại nhiều lần, tốn kém thời gian, chi phí, công sức”.
Cùng đó, việc phải có phiếu lý lịch tư pháp trong thành phần hồ sơ là không hợp lý, nhất là với cán bộ đang làm việc trong các cơ sở y tế công lập. Bởi những người đang làm việc trong hệ thống cơ sở y tế công chịu sự quản lý của đơn vị, có hồ sơ theo dõi quá trình học tập, công tác. Nếu cần xác minh, cơ quan có thẩm quyền cấp CCHN có thể liên hệ với nơi công tác của người đó để biết thông tin về nhân thân người xin cấp.
Thời gian thực hành để được cấp CCHN theo quy định, đối với bác sĩ ít nhất là 18 tháng, với y sĩ ít nhất là 12 tháng. Bác sĩ Nguyễn Quang – Phó Giám đốc Trung tâm giám định Y khoa tỉnh cho rằng: quy định như vậy rất mâu thuẫn. Bác sĩ sau khi trúng tuyển vào làm tại 1 cơ sở KCB chỉ tập sự 9 tháng, vậy quy định 18 tháng mới được cấp CCHN và mới được coi là bác sĩ thì hết 9 tháng tập sự còn 9 tháng thực hành thì cơ sở KCB phải giải quyết như thế nào. Cùng đó, thời gian cấp mới CCHN là 60 ngày, cấp lại là 30 ngày là quá lâu.
Về lệ phí xin cấp CCHN cũng cao, gây tốn kém cho mỗi cá nhân và cơ sở KCB. Tính sơ theo quy định, khoản lệ phí xin cấp mới, chi phí phiếu lý lịch tư pháp, tiền phô tô, chứng thực… cũng gần 1 triệu đồng. Tại một số cơ sở KCB trong tỉnh đã phải hỗ trợ kinh phí xin cấp CCHN cho cán bộ, y, bác sĩ.
Ông Mai Thiện Thành, Phó Trưởng phòng Kiểm soát TTHC khối Khoa giáo – Văn xã, Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp cho biết: chúng tôi đã đưa ra phương án đơn giản hóa TTHC cấp CCHN đề nghị các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét. Cụ thể đề xuất sửa đổi chỉ nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao khi có bản chính đối chiếu. Bỏ yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp đối với người làm việc trong cơ sở y tế công lập. Cần quy định cụ thể hơn việc cấp giấy xác nhận quá trình thực hành. Rút ngắn thời gian cấp mới CCHN xuống còn 30 ngày, cấp lại còn 20 ngày…
Ý kiến ()