Thực hiện Quy chế dân chủ: “Chìa khóa” tạo đồng thuận xã hội
- Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn thực hiện nghiêm quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, từ đây xây dựng - củng cố niềm tin của người dân đối với công tác lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Xác định thực hiện QCDC là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, là động lực để huy động mọi nguồn lực thúc đẩy sự phát triển, hằng năm, ban dân dận các cấp đã tham mưu cho cấp ủy các cấp ban hành kế hoạch, giải pháp thực hiện có hiệu quả QCDC phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.
Đa dạng hình thức thực hiện
Năm 2022, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Quốc hội khóa XV thông qua, theo đó, việc thực hiện dân chủ trong 3 loại hình: dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dân chủ ở cơ quan, đơn vị; dân chủ trong tổ chức sử dụng lao động (doanh nghiệp). Ở loại hình nào, quyền làm chủ của người dân, công chức, viên chức, người lao động cũng được thể hiện một cách rõ nét.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn luôn công khai các chủ trương, chính sách, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các cơ quan, đơn vị luôn công khai chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị, kế hoạch công tác hằng năm, hằng quý, hằng tháng; các doanh nghiệp cũng công khai đến người lao động các chủ trương, chính sách liên quan đến doanh nghiệp, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, kế hoạch sản xuất, kinh doanh... Việc công khai các nội dung này được thực hiện qua các hình thức như triển khai lồng ghép tại các hội nghị, niêm yết tại trụ sở, trên hệ thống loa phát thanh... Trên cơ sở đó, người dân, công chức, viên chức, người lao động được tham gia bàn bạc, thảo luận và đóng góp ý kiến, thể hiện vai trò của mình trong xây dựng và phát triển địa phương, cơ quan, doanh nghiệp.
Chị Hoàng Triệu Thùy Dung, Nhân viên Công ty Cổ phần xi măng Đồng Bành cho biết: Hằng năm, qua hội nghị người lao động tại công ty, chúng tôi được phổ biến các chủ trương, chính sách, đóng góp ý kiến bổ sung, chỉnh sửa quy chế, quy định. Trong công ty, việc thực hiện các chế độ với người lao động luôn công bằng, dân chủ. Vì thế, chúng tôi yên tâm làm việc, phát huy tối đa năng lực góp phần nâng cao hiệu quả công việc được giao.
Cùng đó, QCDC còn thể hiện rõ nét thông qua hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Đơn cử như ban giám sát đầu tư cộng đồng, hiện nay toàn tỉnh có 189 ban tại các xã, phường, thị trấn, trong năm 2024, các ban này đã thực hiện giám sát được 313 cuộc, qua đó đã kịp thời chỉ ra một số hạn chế, sai sót trong quá trình thi công công trình. Cụ thể như giám sát, kiểm tra các công trình xây dựng như đường bê tông, hệ thống đập thủy lợi, mương máng nội đồng, kịp thời phát hiện các lỗi kỹ thuật liên quan đến chất lượng công trình (huyện Đình Lập); phát hiện công trình Trường Tiểu học Đồng Giáp (huyện Văn Quan) xây dựng vi phạm hành lang an toàn giao thông của đường ĐH 59A… Qua đó, kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phắc phục kịp thời theo quy định.
Song song đó, QCDC còn thể hiện rõ nét ở công tác đối thoại. Từ năm 2017 đến nay, hằng năm, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đều tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân. Riêng năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức được khoảng 250 cuộc đối thoại các cấp. Trong đó, nhiều đơn vị quan tâm triển khai thực hiện công tác này với những cách làm cụ thể, bài bản, như huyện Lộc Bình tổ chức đối thoại đồng loạt trong 1 tháng của năm; huyện Đình Lập tổ chức từ 2 – 3 hội nghị chuyên đề nhằm nắm bắt, kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân… Tại các cuộc đối thoại, người dân được thể hiện ý kiến, mong muốn, kiến nghị chính đáng với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở, trong năm 2024, cấp tỉnh đã thành lập 12 đoàn kiểm tra 36 đơn vị; cấp huyện thành lập 100 đoàn kiểm tra 136 đơn vị. Qua đây, kịp thời đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ ra những mặt còn hạn chế cần khắc phục thời gian tới. Bên cạnh đó, tại các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã xuất hiện những mô hình “dân vận khéo” phát huy dân chủ như mô hình “Thực hiện tốt việc phục vụ Nhân dân trên tinh thần gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” (thành phố Lạng Sơn); mô hình “Vận động Nhân dân thực hiện QCDC ở cơ sở” (huyện Bắc Sơn)...
Phát huy quyền làm chủ của người dân
Trong thực hiện QCDC, cốt lõi là đảm bảo phát huy quyền làm chủ của người dân, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đều liên quan đến cuộc sống và phục vụ lợi ích của Nhân dân. Thời gian qua, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được thể hiện rõ ràng và đậm nét. Trong tất cả các công việc tại thôn, khối, phố, người dân đều được biết, được bàn, được kiểm tra, từ đó nhất trí và đồng thuận cao. Và, chính người dân cũng là người được thụ hưởng từ những quyết định, đóng góp của mình.
Ông Hoàng Văn Lý (thôn Nà Nát, xã Châu Sơn, huyện Đình Lập cho biết: Năm 2023, khi có chủ trương xây dựng nhà văn hóa, tôi cùng gia đình và các hộ khác trong thôn được thông tin về mục đích ý nghĩa công trình, việc huy động các nguồn huy động để xây dựng... bởi vậy, gia đình tôi cũng nhất trí hiến gần 500 m2 để làm nhà văn hóa to rộng, khang trang hơn. Quá trình xây dựng, chúng tôi cũng được theo dõi, giám sát. Hiện công trình đã hoàn thành, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong thôn.
Đối với những công trình công cộng phục vụ quyền lợi, lợi ích chính đáng của người dân, khi có chủ trương thực hiện, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn luôn tổ chức quán triệt chủ trương, lấy ý kiến, góp ý của người dân. Trong quá trình xây dựng người dân được kiểm tra, giám sát việc xây dựng công trình, được công khai các khoản đóng góp, chi tiêu. Khi công trình hoàn thành, người dân được thụ hưởng, sử dụng nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt chung.
Từ thực tiễn cho thấy, việc thực hiện QCDC đã tạo được sự đoàn kết thống nhất trong các tầng lớp Nhân dân, từ đó đã khơi dậy được sức dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở địa phương. Nổi bật, trong năm 2024, người dân đã hiến gần 73 nghìn m2 đất, đóng góp hơn 12 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình công cộng…
Cùng đó, QCDC ở cơ sở được thể hiện qua việc người dân được tạo điều kiện thuận lợi bày tỏ chính kiến, trực tiếp bàn bạc, quyết định nhiều vấn đề quan trọng ở nơi cư trú, như việc bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; lấy ý kiến của cử tri về phương án nhập toàn bộ diện tích huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn… Bà Hoàng Thị Linh, Chủ tịch UBND thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: Ngày 15/12 vừa qua, đồng loạt 9 tổ dân phố trên địa bàn thị trấn tổ chức bầu cử tổ trưởng nhiệm kỳ 2025 - 2027. Trước đó, UBND thị trấn đã phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về cuộc bầu cử, vận động người dân đến tham gia bỏ phiếu đúng thời gian quy định... Nhờ vậy, các cuộc bầu cử diễn ra thành công với tỷ lệ người dân tham gia bỏ phiếu đạt cao; 9/9 tổ dân phố bầu thành công tổ trưởng ngay từ lần thứ nhất.
Đồng chí Lý Việt Hưng, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh uỷ khẳng định: Thông qua thực hiện QCDC ở cơ sở đã giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; góp phần làm tạo sự đồng thuận trong triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Từ đó, thúc đẩy các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nổi bật, năm 2024, thu ngân sách nhà nước ước đạt 9.805,4 tỷ đồng, bằng 131% dự toán, tăng 25,8% so với cùng kỳ... Cùng đó, đời sống Nhân dân ổn định, dự ước tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 2,54%, còn 3,48%. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, tình hình an ninh, quốc phòng tiếp tục được giữ vững.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, phát huy dân chủ, xem đây là chìa khóa quan trọng để tạo đồng thuận, củng cố niềm tin trong Nhân dân, từ đó huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ý kiến ()