LSO-Phát nguyên từ dãy Bắc Xa hùng vĩ, dòng dông Kỳ Cùng mang phù sa bồi đắp cho cánh đồng Thất Khê phì nhiêu, thu nhận nước của những sông suối nhỏ; trước khi sang bên kia biên giới, nó uốn lượn trên địa phận xã Quốc Việt như ngập ngừng mãi không thôi... Với lợi thế của một vùng đất ven sông lớn, từ xa xưa, Quốc Việt- Bình Độ đã là trung tâm kinh tế khá sầm uất phía đông huyện Tràng Định với những thuyền bè tấp nập ngược Thất Khê, xuôi bến Bình Nghi, người mua người bán nhộn nhịp và những đặc sản nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của miền đất Tràng Định nổi tiếng như gạo thơm, vịt, mận Thất Khê, lê Quốc Khánh, quýt Kim Đồng...Giờ đây, cùng với các phiên chợ cổ như Thất Khê, Long Thịnh (xã Quốc Khánh) Áng Mò (xã Tân Tiến), cứ 5 ngày, như đến hẹn lại về, phiên chợ Bình Độ thu hút hàng ngàn người từ các xã vùng cao như Đào Viên, Trung Thành, Tân Minh ra, trung tâm Tràng Định xuống và các xã của huyện Văn Lãng vào. Đến chợ, người...
LSO-Phát nguyên từ dãy Bắc Xa hùng vĩ, dòng dông Kỳ Cùng mang phù sa bồi đắp cho cánh đồng Thất Khê phì nhiêu, thu nhận nước của những sông suối nhỏ; trước khi sang bên kia biên giới, nó uốn lượn trên địa phận xã Quốc Việt như ngập ngừng mãi không thôi…
Với lợi thế của một vùng đất ven sông lớn, từ xa xưa, Quốc Việt- Bình Độ đã là trung tâm kinh tế khá sầm uất phía đông huyện Tràng Định với những thuyền bè tấp nập ngược Thất Khê, xuôi bến Bình Nghi, người mua người bán nhộn nhịp và những đặc sản nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của miền đất Tràng Định nổi tiếng như gạo thơm, vịt, mận Thất Khê, lê Quốc Khánh, quýt Kim Đồng…Giờ đây, cùng với các phiên chợ cổ như Thất Khê, Long Thịnh (xã Quốc Khánh) Áng Mò (xã Tân Tiến), cứ 5 ngày, như đến hẹn lại về, phiên chợ Bình Độ thu hút hàng ngàn người từ các xã vùng cao như Đào Viên, Trung Thành, Tân Minh ra, trung tâm Tràng Định xuống và các xã của huyện Văn Lãng vào. Đến chợ, người ta không chỉ đổi trao, mua bán những mặt hàng thiết yếu, mà đi chợ là để gặp gỡ giao lưu tình cảm, tìm gặp bạn bè, cùng nhau ngồi trong quán ăn bát phở vịt quay, uống bát rượu để hàn huyên, thỏa nỗi nhớ mong đợi chờ. Có lẽ từ xa xưa, chợ Bình Độ là nơi hội tụ của nhu cầu giao lưu kinh tế và văn hóa giữa các vùng miền. Từ cái chợ, các thiết chế hạ tầng kinh tế, văn hóa phát triển khiến Bình Độ ngày càng trở thành trung tâm và là thước đo sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của cụm xã phía đông Tràng Định.
Trường tiểu học xã Quốc Việt (Tràng Định)
Phát huy các thiết chế văn hóa đã có, cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo và tạo điều kiện cho nhân dân xây dựng đời sống văn hóa mới; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khơi nguồn cho kinh tế xã hội phát triển. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) và các nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, lễ hội phài lừa truyền thống đã được khôi phục từ năm 2001. Sau phần lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt tại thôn Nà Lình- trung tâm xã, bến sông xưa lại sống dậy trong hội xuân với bè mảng của 26 thôn bản được trang trí rực rỡ, những thanh niên khỏe mạnh dẻo tay đưa con thuyền về đích. Một cụ già kể lại rằng, ngày xưa rừng lắm gỗ to, sông sâu hơn và rộng hơn. Để chuẩn bị cho cuộc đua, dân trong làng lên rừng chọn cây gỗ to về đục đẽo thành con thuyền “độc mộc”, thuyền nhẹ, người đua khỏe, đoàn kết, người chỉ huy khéo ắt sẽ thành công. Nay gỗ to không còn, đoạn sông cũng đã thay đổi do thiên thiên và con người, nên trong hội đua thuyền người ta chỉ làm những chiếc mảng bằng cây tre mai to, róc hết vỏ cứng bên ngoài, vát đầu, phơi khô, kết nối vững chắc. Phần thưởng tuy không to, nhưng cái được lớn nhất là sự vui vẻ hứng khởi của người dân trong những ngày đầu năm mới và là hành trang đầu tiên để họ bước vào vụ xuân với nhiều nỗ lực và hy vọng.
Dẫn chúng tôi đi một vòng xung quanh trung tâm xã, Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Việt nói rằng, tuy chưa thật hoàn thiện, song hạ tầng cơ sở của địa phương cơ bản đã có; một khu chợ với đủ các sạp hàng luôn thân thiện mời chào khách muôn phương; điện lưới đã đến với tất cả 26 thôn bản với trên 96% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; các nhà trường từ cấp học mầm non đến THPT không chỉ đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực của địa phương, mà còn kích thích sự phát triển của cụm xã; phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã đủ sức chăm lo sức khỏe cho người dân trong xã, mà còn là “địa chỉ đầu tiên” của những người bệnh các xã Trung Thành, Tân Minh, Đào Viên…Hệ thống bưu chính viễn thông, trạm tiếp sóng truyền thanh, truyền hình hoạt động có hiệu quả giúp cho người dân tiếp cận nhanh đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Cùng nhau ôn bài
Mùa xuân mới lại về với người dân Quốc Việt. Từ khi cây cầu Bình Độ dài rộng nối đôi bờ Kỳ Cùng, ước mơ của nhân dân các dân tộc trong vùng lại có dịp bay cao, bay xa, nhưng cũng rất đời thường. Nếu như có một quy hoạch đồng bộ từ chợ cụm xã đến trường mầm non, từ trụ sở UBND xã đến con đường hơn 10 cây số từ trung tâm cụm đấu nối với quốc lộ 4A; hệ thống thủy lợi đưa nước từ dòng sông tưới mát mùa màng… Quốc Việt sẽ tiến nhanh hơn trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tầm ảnh hưởng của nó không chỉ 4 xã trong khu vực.
Minh Hồng
Ý kiến ()