Quốc tế đánh giá cao phiên họp Việt Nam chủ trì về khắc phục bom mìn
Giám đốc Cơ quan hành động bom mìn Liên hợp quốc bày tỏ vui mừng khi Việt Nam trên cương vị Chủ tịch HĐBA đã chọn vấn đề bom mìn là chủ đề cho một trong các phiên thảo luận chính của tháng 4.
Trả lời phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc bên lề phiên họp mở điểm nhấn do Việt Nam chủ trì tại Hội đồng Bảo an ngày 8/4 với chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn,” bà Ilene Cohn, Giám đốc Cơ quan hành động bom mìn Liên hợp quốc (UNMAS) cho rằng Việt Nam đã đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an rất đúng thời điểm.
Bà Ilene Cohn bày tỏ rất vui mừng khi Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an đã lựa chọn vấn đề bom mìn là chủ đề cho một trong các phiên thảo luận chính của tháng 4/2021.
Bà nêu rõ: “Phiên họp mở này thực sự có ý nghĩa rất quan trọng bởi Hội đồng Bảo an chính là cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề để đảm bảo duy trì hòa bình và an ninh thế giới,” đặc biệt là khi bom mìn vẫn tiếp tục là mối đe dọa đối với người dân toàn cầu.
Bà đánh giá Việt Nam đã đạt được nhiều tiến triển trong giải quyết vấn đề bom mìn, nhưng đây cũng là lĩnh vực còn rất nhiều việc phải làm để thế giới không còn loại vũ khí sát thương này nữa.
Tổ chức UNMAS là cơ quan điều phối của Liên hợp quốc hiện có trách nhiệm giải quyết vấn đề bom mìn tại 19 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, hỗ trợ để người dân cũng như lực lượng gìn giữ hòa bình ở các nước tránh vướng phải bom mìn hoặc thiết bị nổ tại các nơi có xung đột, cũng như những nơi vẫn còn tàn dư chiến tranh, đồng thời hỗ trợ các chính phủ liên quan giải quyết vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định bom mìn luôn là “kẻ giết người thầm lặng,” nhưng những năm qua xuất hiện thêm hai vấn đề mới, đó là: mức độ sử dụng ngày càng rộng rãi các vật liệu nổ tự chế và có điều khiển; và việc sử dụng những vật liệu nổ tự chế này tấn công các phái bộ gìn giữ hòa bình.
Tới năm 2019 và 2020, tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Đại sứ nhấn mạnh: “Vấn đề bom mìn rất ít khi được các nước đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an bởi chính sách của các nước trước đây không ủng hộ vấn đề này. Chính vì vậy, việc Việt Nam chủ trì phiên họp điểm nhấn về bom mìn đã đáp ứng được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, được thảo luận ở cấp khá cao, tập trung, đưa ra được nhiều kiến nghị.”
Cũng tại phiên thảo luận này, Hội đồng Bảo an đã thông qua được Tuyên bố Chủ tịch – được đánh giá là 4 năm nay chưa từng có, trong đó vừa nhấn mạnh việc thực hiện khuôn khổ pháp lý hiện nay, đặc biệt là Nghị quyết 2365 của Hội đồng Bảo an, đồng thời vừa đề cập các thách thức mới và đưa ra các biện pháp mới mà cộng đồng quốc tế cần thực hiện để thúc đẩy các hành động giải quyết vấn đề bom mìn.
Sudan, một trong những nước là nạn nhân bom mìn do trải qua nhiều cuộc xung đột, đã đánh giá cao việc Việt Nam lựa chọn vấn đề giải quyết bom mìn cho phiên thảo luận mở điểm nhấn tại Hội đồng Bảo an.
Trả lời phỏng vấn TTXVN tại Liên hợp quốc, Đại biện Mohamed Elbahi-Phái đoàn thường trực Sudan tại Liên hợp quốc, cho biết hiện tàn dư bom mìn còn rất nhiều tại Sudan, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình phát triển của đất nước này, gây ra rất nhiều nỗi đau cho người dân.
Tuy nhiên, Đại biện khẳng định Sudan cam kết sẽ nỗ lực giải quyết hết bom mìn còn sót lại trên lãnh thổ vào một ngày không xa.
Ông Elbahi cũng cho biết ngoài việc nâng cao nhận thức về vấn đề bom mìn cho người dân, mới đây Sudan đã tháo gỡ thành công hết bom mìn trên khoảng 1 triệu m2 đất và sau đó trao trả lại khu vực này cho cộng đồng để sử dụng.
Hiện, Sudan đang hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc, đặc biệt là với UNMAS, nhằm nỗ lực đạt được các mục tiêu trong giải quyết vấn đề bom mìn mà nước này đã đề ra./.
Ý kiến ()