Quốc lộ 6 đoạn qua tỉnh Hòa Bình, nguy cơ sạt lở luôn rình rập
Tại KM 138 750 quốc lộ 6, điểm sạt lở làm hai người chết, vừa qua hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Mặc dù là tuyến giao thông quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Bắc, nhưng thời gian gần đây, tuyến quốc lộ 6 đoạn chạy qua địa phận tỉnh Hòa Bình tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi hàng triệu m3 đất, đá ở nhiều điểm có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Điều đáng lo ngại là việc sạt lở không chỉ gây ách tắc giao thông mà còn đe dọa tính mạng của người dân tham gia giao thông.Quốc lộ 6 có tổng chiều dài 504 km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Hòa Bình dài 119 km (từ Km 39 đến Km 158). Năm 2001, tuyến đường này được Bộ Giao thông vận tải đầu tư cải tạo, nâng cấp đoạn từ Hòa Bình đi Sơn La (từ Km 78 300 đến Km 303 790) đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi và tháng 3-2005, đoạn tuyến được hoàn thành. Từ khi đưa vào khai thác sử dụng, đoạn tuyến này đã phát huy hiệu quả đầu tư,...
![]() Tại KM 138 750 quốc lộ 6, điểm sạt lở làm hai người chết, vừa qua hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. |
Mặc dù là tuyến giao thông quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh Tây Bắc, nhưng thời gian gần đây, tuyến quốc lộ 6 đoạn chạy qua địa phận tỉnh Hòa Bình tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi hàng triệu m3 đất, đá ở nhiều điểm có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Điều đáng lo ngại là việc sạt lở không chỉ gây ách tắc giao thông mà còn đe dọa tính mạng của người dân tham gia giao thông.
Quốc lộ 6 có tổng chiều dài 504 km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Hòa Bình dài 119 km (từ Km 39 đến Km 158). Năm 2001, tuyến đường này được Bộ Giao thông vận tải đầu tư cải tạo, nâng cấp đoạn từ Hòa Bình đi Sơn La (từ Km 78 300 đến Km 303 790) đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi và tháng 3-2005, đoạn tuyến được hoàn thành. Từ khi đưa vào khai thác sử dụng, đoạn tuyến này đã phát huy hiệu quả đầu tư, đáp ứng tốt việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, phục vụ đắc lực việc xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu cũng như vai trò của tuyến đường liên vận quốc tế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đoạn tuyến từ Km 78 300 đến Km 158 thuộc địa phận TP Hòa Bình và các huyện Cao Phong, Tân Lạc và Mai Châu (Hòa Bình) thường xảy ra sạt lở cục bộ đất, đá từ mái ta-luy dương xuống mặt đường. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở 150.000 m3 đất, đá từ mái ta-luy dương xảy ra vào ngày 16-2 vừa qua tại Km 138 750, thuộc địa phận xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, làm chết hai người và gây ách tắc giao thông trong nhiều ngày. Gần đây nhất là vụ sạt lở hơn 20 nghìn m3 đất, đá vào ngày 22-3 (trong mùa khô) tại Km 138 800, gây tắc đường trong nhiều giờ. Rất may, vụ sạt lở này không gây thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân.
Đó chỉ là hai trong số nhiều vụ sạt lở trên quốc lộ 6 đoạn qua tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua. Điều đáng nói là, ngoài hai vụ sạt lở lớn nói trên, hiện nay, trên tuyến quốc lộ quan trọng này vẫn còn nhiều điểm đang ẩn chứa nguy cơ sạt lở cao. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình Ngô Ngọc Đức, nguy cơ sạt lở đất, đá trên tuyến quốc lộ 6 đi qua địa bàn tỉnh tập trung ở khu vực đèo dốc, qua các xã Tân Sơn, Đồng Bảng; các dốc Thung Khe, Thung Nhuối, dốc Má, dốc Cun. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, vừa qua Sở đã thành lập đoàn đi kiểm tra, rà soát, xác định trên tuyến đường này có khoảng 30 điểm có nguy cơ sạt lở đất, đá cao. Tại 30 điểm này, có 14 điểm thường xuyên xảy ra sạt lở đất, đá, trong đó có chín điểm đang ở mức “báo động đỏ” vì có thể xảy ra sạt lở với khối lượng đất, đá lớn bất cứ lúc nào. Theo Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 222 Nguyễn Phú Bồi thì nếu 14 điểm đang có nguy cơ sạt lở trên tuyến quốc lộ 6 bị sạt lở sẽ kéo theo 1 triệu 391 nghìn m3 đất, đá xuống lòng đường. Đó sẽ là hậu quả khôn lường cho hàng nghìn lượt người và phương tiện tham gia giao thông qua đây mỗi ngày. Điều đáng ngại là từ dưới mặt đường nhìn lên thì thấy những quả núi, đồi này hoàn toàn “vô hại” nhưng lên đến nơi mới thấy sự nguy hiểm đang rập rình những người tham gia giao thông phía dưới.
Đi thực tế, chúng tôi thấy hiện nay trên tuyến quốc lộ 6 có nhiều đoạn đã xuất hiện những cung trượt dài vài chục mét, rộng hơn một mét, sâu 1,5 m, cắt ngang cả quả đồi về phía đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến quốc lộ này. Tại Km 83 800 và Km 83 850 trên địa bàn huyện Cao Phong là những điểm có mái ta-luy cao, đất, đá rời rạc, nguy cơ sụt trượt rất lớn. Đây là nơi có địa chất chủ yếu là bùn, đất, than, đá non nên rất dễ sạt lở khi có mưa bão. Theo quan sát, tại những điểm này đã xuất hiện một cung trượt và các rãnh nứt khá to, sâu trên đỉnh ta-luy dương. Những cung trượt, vết nứt này nằm trên độ cao khoảng 40-50 m so với mặt đường nếu xảy ra sạt lở sẽ kéo theo khoảng 21 nghìn m3 đất đá xuống mặt đường. Cũng tại Km 95 050 trên địa bàn xã Tây Phong, huyện Cao Phong đã xuất hiện một vết nứt, trượt dài có chiều cao khoảng 180 m so với mặt đường. Vết nứt, trượt này có chiều dài khoảng 150 m, cắt ngang cả quả đồi hướng về phía quốc lộ 6. Điều đáng nói là càng lên cao những vết nứt, trượt này càng to như đường hào công sự có độ sâu khoảng 1,5 m, rộng 1,5 m. Tại Km 124 500 thuộc địa bàn xóm Vãng, thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu cũng đang xuất hiện vết nứt, trượt dài khoảng 70 mét, có nơi rộng một mét, sâu hai mét, cách đỉnh ta-luy dương khoảng bảy mét, cách mặt đường khoảng 20 m. Theo cán bộ hạt 4 (Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 222) thì đây là điểm có ta-luy dương nằm thẳng đứng, sát mặt quốc lộ, đá trên núi chủ yếu từng mảnh xếp vào nhau gắn kết bằng đất. Đây cũng là đoạn thường xuyên xảy ra sạt lở vì mỗi khi có mưa bão, nước đổ xuống các khe nứt, trượt làm xói đất, phá vỡ kết cấu, gây sạt lở.
Nguyên nhân xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ sạt lở trên tuyến quốc lộ 6, theo các nhà khoa học thì tại khu vực xã Đồng Bảng nằm trên một đới đứt gãy kiến tạo hoạt động mạnh phương tây bắc-đông nam, một nhánh của đới Sông Đà. Cũng trên tuyến đường này, đã ghi nhận được hai điểm nứt, trượt lở đất có quy mô trung bình lớn là điểm tại bản Solo và điểm Thung Nhuối, huyện Mai Châu. Để khắc phục tình trạng này, lòng đường trên tầng cao nhất cần được di chuyển bằng cách mở rộng vào thân đồi phía trong. Khi đường đã được mở rộng, mái ta-luy phía trong cần có độ dốc vừa phải ở mức cho phép, cố gắng để trống mặt bằng lề đường bên phía ta-luy âm, tạo đường thoát nước hợp lý sao cho khi nước chảy không gây phá hủy lớp đất, đá bề mặt. Đối với tầng đường thấp hơn tuy có mái dốc lớn nhưng ở một số vị trí do có trượt cổ tạo bậc cho nên độ dốc ở các khu này cũng giảm, do đó tải trọng cũng bị chia cắt. Các khối trượt cổ đã được cố kết lại tương đối ổn định cho nên ở tầng này có thể khoan đến đá rắn chắc và làm cột chống trượt. Ngoài ra, mái dốc ở một số chỗ cũng cần được giảm và đặc biệt phải có hệ thống thoát nước hợp lý. Còn theo Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 222 thì những điểm có nguy cơ sạt lở hiện nay rất có thể là do việc đánh mìn phá đá làm đường trước đây. Bên cạnh đó, địa chất ở những nơi này yếu, rời rạc cho nên mỗi khi có mưa thường xảy ra sạt lở, làm ách tắc giao thông. Hơn nữa, đá ở đây chủ yếu là đá non ngậm nước, nở ra khi có mưa, đến lúc nắng co lại cũng là nguyên nhân làm tăng khả năng sạt lở. Hiện tại, công ty đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc là các Hạt giao thông số 2, 3, 4 phối hợp với chính quyền địa phương nắm chắc tình hình, kịp thời cảnh báo và khắc phục khi có sự cố xảy ra để bảo đảm giao thông trên tuyến.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ngô Ngọc Đức, hiện nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải triển khai các phương án, giải pháp kỹ thuật để xử lý những vị trí mái ta-luy dương nền đường tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là mùa mưa bão năm nay. Tính toán ban đầu, để xử lý các vị trí nguy cơ sạt lở nêu trên cần khoảng 120 tỷ đồng. Trên cơ sở hiện trạng đoạn tuyến Km 78 300 đến Km 158 sẽ tiến hành khảo sát, xác định vị trí tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mái ta-luy dương nền đường; thiết kế các biện pháp xử lý theo hướng những đoạn tuyến có chiều cao mái ta-luy dương lớn, cấu tạo địa chất là đất, độ ổn định kém sử dụng các biện pháp đào bạt mái ta-luy… Những đoạn tuyến có chiều cao mái ta-luy dương lớn, cấu tạo địa chất là đất, đá xen kẹp, độ ổn định kém, sử dụng biện pháp đào bạt mái ta-luy, kết hợp với việc xây dựng hệ thống công trình chống đỡ (kè bê-tông cốt thép, kè khung bê-tông cốt thép, kè khung bê-tông kết hợp neo trong đất)…
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()