Quốc lộ 1A xuống cấp nghiêm trọng
LSO-Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2001 với chiều dài khoảng 95km đạt tiêu chuẩn đường cấp 1 miền núi.
LSO-Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2001 với chiều dài khoảng 95km đạt tiêu chuẩn đường cấp 1 miền núi. Sau hơn 10 năm khai thác, hiện nay công trình đang xuống cấp nghiêm trọng, không những ảnh hưởng tới hoạt động vận tải mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên toàn tuyến.
Một vụ va chạm giao thông trên quốc lộ 1A đoạn km 27-km28 địa phận xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc |
Theo số liệu thống kê của Hạt quản lý số 1 và số 2 thuộc Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng công trình giao thông 236 – đơn vị được giao quản lý bảo đảm giao thông tuyến quốc lộ 1A địa phận tỉnh Lạng Sơn, hiện 80km do hai đơn vị này quản lý xuất hiện gần 100 vị trí lún, nứt mặt đường, ổ gà, sống trâu, tình trạng mặt đường bị lì gây trơn trượt tại nhiều đoạn tuyến từ km 34-km40, km 51-km60 và sạt lở đất tại khu vực km 4 thuộc thị trấn Đồng Đăng, km 35 thuộc địa phận xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng đang gây mất an toàn cho các loại phương tiện khi lưu thông trên đường. Cũng do tuyến đường xuống cấp, tình trạng tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A ngày càng diễn biến phức tạp, việc lật xe, làm hỏng các hạng mục bảo đảm giao thông như tôn sóng, cọc tiêu trên tuyến diễn ra thường xuyên. Theo ông Nguyễn Đăng Quyết, Hạt trưởng Hạt 1 cho biết, nguyên nhân tình trạng mặt đường trên tuyến quốc lộ đang xuống cấp nghiêm trọng do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong khoảng 5 năm trở lại đây tăng đột biến, nhất là các loại phương tiện vận tải hạng nặng có 3 trục trở lên. Dẫn chứng để khẳng định ý kiến trên ông Quyết đưa ra số liệu, ngày 7/9/2013 kết quả kiểm đếm phương tiện của cán bộ Hạt 1 từ 0 đến 24 giờ, lượng xe vận tải bằng ô tô chạy hai chiều từ hướng Hà Nội đi qua Lạng Sơn và từ Lạng Sơn về Hà Nội là 4.226 xe, trong đó xe tải hạng nặng trên 3 trục (bao gồm xe côngtennơ, sơ mi đầu kéo…) là 806 xe.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tự, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng công trình giao thông 236 cho biết, nguồn vốn cho công tác duy tu bảo đảm giao thông cho đoạn quốc lộ 1A địa phận qua tỉnh Lạng Sơn là 400 triệu đồng/95km/1 tháng, bình quân mỗi 1 km đường được bố trí khoảng 50 triệu đồng/1km/năm. Nguồn kinh phí này bao gồm trả công cho nhân viên làm công việc như tuần đường, phát cây, vét rãnh, thoát nước, vá ổ gà nhỏ… Nguồn kinh phí cho công tác sửa chữa vừa và sửa chữa lớn theo quy định chưa được kịp thời là nguyên nhân chính làm cho tuyến quốc lộ 1A địa phận tỉnh Lạng Sơn ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Thông tư số 10 ngày 19/4/2010 của Bộ Giao thông – Vận tải quy định về quản lý và bảo trì đường bộ nêu rõ, thời hạn sửa chữa vừa và sửa chữa lớn đường bộ được quy định theo loại kết cấu mặt đường và lưu lượng xe tính toán theo thiết kế mặt đường. Cụ thể như, với mặt đường kết cấu bê tông nhựa (như quốc lộ 1A) thì thời gian sửa chữa vừa là 4 năm một lần và sửa chữa lớn là 12 năm một lần. Ông Tự cho biết thêm, trong hơn 10 năm qua, 95km đường quốc lộ 1A địa phận tỉnh Lạng Sơn chưa một lần được tiến hành sửa chữa vừa nói gì đến sửa chữa lớn, năm 2010 đơn vị được giao vốn để tổ chức xóa điểm đen tại km 40-km41 với kinh phí trên 4 tỷ đồng, nhưng đây không phải là kinh phí cho việc sửa chữa vừa mà là để xóa điểm đen mất an toàn giao thông.
Trước thực tế công tác bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến gặp nhiều khó khăn, Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng công trình giao thông 236 đã có văn bản đề nghị với cơ quan chủ quản là Tổng Cục đường bộ cấp kinh phí để duy tu. Trong khi các cơ quan có thẩm quyền đang “tính” thì tuyến đường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng và người dân cũng như các chủ phương tiện khi tham gia giao thông trên tuyến vẫn là những đối tượng chịu nhiều rủi ro, thiệt thòi nhất.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()