Quốc lộ 12B xuống cấp nghiêm trọng
Nhiều đoạn trên quốc lộ 12B xuất hiện những ổ voi, ổ trâu, ảnh hưởng người tham gia giao thông. Sau nhiều năm đưa vào khai thác, tuyến quốc lộ 12B chạy qua tỉnh Hòa Bình đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Hằng ngày, người và các phương tiện tham gia giao thông phải oằn mình khi đi qua tuyến đường này.Người dân sống hai bên đường luôn trong tình trạng sống chung với cảnh "mưa lầy, nắng bụi" ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hằng ngày.Quốc lộ 12B đi qua địa bàn ba huyện Yên Thủy, Lạc Sơn, Tân Lạc (Hòa Bình) với chiều dài 42km. Đây là tuyến đường huyết mạch nối liền quốc lộ 1 với đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 6, có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng này, tháng 9-2010, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12B được khởi công trong niềm vui lớn...
Nhiều đoạn trên quốc lộ 12B xuất hiện những ổ voi, ổ trâu, ảnh hưởng người tham gia giao thông. |
Người dân sống hai bên đường luôn trong tình trạng sống chung với cảnh “mưa lầy, nắng bụi” ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Quốc lộ 12B đi qua địa bàn ba huyện Yên Thủy, Lạc Sơn, Tân Lạc (Hòa Bình) với chiều dài 42km. Đây là tuyến đường huyết mạch nối liền quốc lộ 1 với đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 6, có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng này, tháng 9-2010, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12B được khởi công trong niềm vui lớn của nhân dân trên địa bàn. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư gần 493 tỷ đồng, với quy mô đường cấp IV. Nhưng sau một thời gian triển khai đến nay, toàn tuyến mới thi công, đưa vào khai thác được 11/42km đường và một phần ba cây cầu.
Tại địa phận huyện Lạc Sơn, quốc lộ 12B đi qua chín xã, thị trấn với chiều dài 25,6 km. Do xây dựng theo hình thức cải tạo, nâng cấp vừa làm, vừa bảo đảm giao thông trong khi chiều rộng nền đường, mặt đường hẹp, mật độ phương tiện tham gia giao thông cao nên nhiều đoạn xuống cấp trầm trọng. Bí thư huyện Lạc Sơn Bùi Văn Nỏm cho biết, quốc lộ 12B là con đường huyết mạch và cũng là con đường duy nhất của huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và giao thương với các địa phương khác. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, tuyến đường này đã bị xuống cấp nghiêm trọng do lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa đi qua địa bàn nhiều nên mức độ xuống cấp ngày càng nhanh. Đặc biệt, trong thời gian xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, những xe trọng tải từ 60 đến 80 tấn vận chuyển vật liệu xây dựng đi lại nhiều nên mặt đường càng bị biến dạng, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ trâu. Việc tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng đời sống nhân dân hai bên đường cũng như người và phương tiện tham gia giao thông qua đây mà còn kìm hãm sự phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay, việc vận chuyển hàng nông, lâm sản như gỗ keo, sắn, ngô của nhân dân đi tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân cũng bị “đội giá” do phí vận chuyển cao khiến bà con nông dân chịu nhiều thiệt thòi.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Xuất Hóa, huyện Lạc Sơn Quách Công Vinh cho rằng, tuyến đường 12B xuống cấp nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng phát triển kinh tế của địa phương mà còn khiến giao thông trên địa bàn thời gian qua rất hỗn loạn. Các ổ voi, ổ trâu tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Do đường xấu, người dân lâm vào tình cảnh bị khách hàng ép giá nông, lâm sản vì họ cho rằng phải bù đắp vào cước phí vận chuyển. Cực chẳng đã nhưng bán rẻ, bán tháo còn hơn là để hàng hóa ế ẩm. Ông Vinh cũng cho biết thêm, từ xã Xuất Hóa xuống trung tâm thị trấn chỉ có 4 km nhưng nhiều lúc phải đi mất từ 40 đến 50 phút vì đường xấu cũng như tắc đường. Không những vậy, có một số doanh nghiệp muốn về địa phương khảo sát, đặt địa điểm để xây dựng nhà máy tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, nhưng khi thấy đường xuống cấp đành rút lui. Bà Lê Thị Thảo, xóm Đạn xã Vũ Lâm huyện Lạc Sơn bức xúc cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh cửa hàng ăn uống, trước đây hằng ngày có nhiều khách đến quán ăn uống, nhưng từ khi quốc lộ 12B chạy qua địa bàn xuống cấp nghiêm trọng kéo theo tình trạng lầy lội, bụi bẩn thì khách cũng ít đi. Gia đình tôi đã phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua đất, đá rải trước cửa, nhưng cũng chỉ được một thời gian thì tình trạng lầy lội đâu lại vào đấy”.
Hiện nay, nhiều đoạn bị xe tải trọng tải lớn đào sâu tới 50 đến 60 cm. Khi trời mưa nhiều đoạn xe máy không thể đi được vì lầy lội. Trời nắng thì bụi mù mịt, các hộ có nhà mặt đường phải đóng cửa suốt ngày đêm, các hộ kinh doanh đều không thể hoạt động được, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt. Người dân thì khổ vì đường bụi, lầy lội nhưng các lái xe đi qua tuyến đường này cũng chẳng sung sướng hơn. Các lái xe khách tuyến Sơn La-Ninh Bình khi đi qua tuyến đường này cho biết từ xã Ngọc Mỹ huyện Tân Lạc đi Nho Quan (Ninh Bình) chỉ hơn 40 km nhưng đường quá xấu nên chúng tôi phải “bò” từ 4 đến 5 giờ đồng hồ mới qua được. Do đường xấu nên khi đi trên tuyến đường này chúng tôi vừa tốn nguyên liệu, hại xe, lại mất rất nhiều thời gian. Cũng tại địa bàn huyện Yên Thủy, quốc lộ 12B đi qua năm xã, thị trấn với chiều dài 16,4 km, hiện nay nhiều đoạn mặt đường đều nham nhở lồi lõm.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, là khó khăn về tài chính do nguồn vốn được giao theo kế hoạch hằng năm rất ít. Với tổng mức đầu tư gần 493 tỷ đồng nhưng đến nay dự án cải tạo mới được giao 56 tỷ đồng và đã giải ngân xong. Đặc biệt, đến tháng 4-2011, Bộ Giao thông vận tải lại đưa dự án vào diện tạm thời đình hoãn, giãn tiến độ, dẫn đến việc triển khai thi công bị đình trệ. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng liên quan hàng nghìn hộ dân, kinh phí ước tính hơn 150 tỷ đồng, do nguồn vốn chưa được cấp nên không có kinh phí để chi trả tiền đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng nên công tác giải phóng mặt bằng chậm. Ngoài ra, còn nhiều vị trí đã bàn giao mặt bằng nhưng các hộ dân bị ảnh hưởng chưa cho thi công vì chưa được tiền bồi thường. Có thể nói, việc tạm thời đình hoãn, giãn tiến độ dự án này khiến việc thi công dở dang, làm cho mặt đường nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ 12B qua tỉnh Hòa Bình gần như bị hỏng hoàn toàn, nền đường biến dạng, lầy lội, ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông. Công tác bảo đảm giao thông và an toàn công trình gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()