Quốc hội xem xét việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng Nghị quyết bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và tính hệ thống của pháp luật; phù hợp với Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị; phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Đồng thời, Nghị quyết chỉ quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố Đà Nẵng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội; thực hiện việc phân cấp mạnh hơn nhưng gắn với trách nhiệm của chính quyền Thành phố trong một số lĩnh vực: thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; quản lý quy hoạch và quản lý tài chính – ngân sách.
Bên cạnh đó, Nghị quyết đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền thành phố Đà Nẵng, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp của Thành phố.
Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Về nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị quyết, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Dự thảo Nghị quyết được bố cục thành 4 Chương, gồm 15 điều, trong đó đối với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (ở cấp Thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường).
Theo mô hình này thì chính quyền Thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND). Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường. Do không tổ chức HĐND ở quận, phường nên một số nhiệm vụ của HĐND quận và phường được chuyển lên cho HĐND và UBND thành phố; một số nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho UBND quận cho phù hợp.
Thẩm tra đối với dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng bảo đảm cơ sở chính trị – pháp lý, phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình gồm đã bảo đảm các yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9.
Về phạm vi và thời gian thực hiện thí điểm, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 3 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn cho rằng, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND quận, phường và các cơ quan tư pháp quận.
Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đối với điều chỉnh quy hoạch, Dự thảo Nghị quyết giao Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố, giao UBND thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Về vấn đề này, trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật cho rằng, theo quy định của Luật Quy hoạch thì việc điều chỉnh quy hoạch thành phố thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch được thực hiện tương tự như trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.
Việc Luật Quy hoạch quy định chặt chẽ thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch là nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác lập, quản lý, điều chỉnh quy hoạch thời gian qua, “tránh tình trạng điều chỉnh bổ sung quy hoạch tùy tiện, hay thay đổi quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ”. Do đó, việc dự thảo Nghị quyết đề nghị thí điểm giao thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cho chính quyền thành phố mà không kèm theo cơ chế kiểm soát có hiệu quả có thể dẫn đến không đạt được các yêu cầu, mục tiêu mà Luật Quy hoạch đã đề ra.
Với những lý do nêu trên, Ủy ban Pháp luật đề nghị không thí điểm việc giao chính quyền thành phố thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố để bảo đảm tính ổn định, thống nhất và các nguyên tắc chung trong hoạt động quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu Quốc hội, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu Quốc hội đối với Dự thảo Nghị quyết; cho biết đa số các đại biểu tán thành với một số điều của Dự thảo Nghị quyết như mô hình đô thị 1 cấp ở thành phố Đà Nẵng, cho thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ đô thị; cho phép HĐND thành phố sử dụng một phần dư thừa từ việc thu phí để đầu tư một số hạng mục hạ tầng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đại biểu băn khoăn về việc bố trí số đại biểu HĐND khi có sự thay đổi về mô hình đô thị ở thành phố; quy hoạch thành phố phải theo Luật Quy hoạch và tuân theo quy hoạch tổng thể như quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ và cơ quan thẩm tra tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Ý kiến ()