Quốc hội xem xét sửa đổi các luật quan trọng về quy hoạch, đầu tư và đấu thầu
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc sửa đổi nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, đầu tư và đấu thầu.
Ngày 30/10, Quốc hội tiếp tục làm việc liên quan tới nhiều nội dung liên quan đến Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Luật Phòng không nhân dân.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự án Luật này là nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định của 4 luật hiện hành, gồm: Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu.
Mục đích của việc xây dựng dự án Luật này này là nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Dự thảo đề xuất 8 chính sách gồm: Một là hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch và kinh phí cho hoạt động quy hoạch để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của pháp luật về quy hoạch.
Hai là hoàn thiện quy định về nội dung, kế hoạch thực hiện và điều chỉnh quy hoạch bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Ba là tiếp tục tăng cường phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đối với dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng mới; bến cảng; khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở xuống thuộc cảng biển đặc biệt.
Bốn là xử lý một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với quy hoạch đô thị và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.
Năm là mở rộng, đa dạng hóa lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án PPP, hoàn thiện cơ chế tài chính đối với dự án PPP nhằm tối đa hóa nguồn lực từ khu vực tư nhân, bảo đảm phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công.
Sáu là đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đối với dự án PPP, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Bảy là xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp.
Tám là xử lý một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu và tăng cường phân cấp trong việc quyết định các nội dung về đấu thầu.
Tiếp đến các đại biểu Quốc hội sẽ nghe Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về 2 nội dung trên.
Tại phiên buổi chiều, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Tiếp đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này./.
Ý kiến ()