Quốc hội xem xét dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến quy hoạch
Họp phiên toàn thể tại Hội trường chiều 23/5, Quốc hội đã nghe báo báo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại nhiều luật.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt, đoàn Vĩnh Phúc phát biểu tại phiên họp ngày 22/5. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Qua rà soát, các bộ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 27 bộ luật, luật; bao gồm: 25 luật theo Danh mục tại Phụ lục III của Luật Quy hoạch, một luật do Bộ Y tế đề xuất bổ sung (Luật An toàn thực phẩm) và 1 luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bổ sung (Luật Phòng, chống thiên tai).
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch để sửa đổi 10 luật gồm Luật Hóa chất; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Điện lực; Luật Dược; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; Luật An toàn thực phẩm; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đầu tư.
Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công và Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị có các nội dung sửa đổi liên quan đến quy hoạch.
Tại Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận bổ sung nội dung sửa đổi quy định về quy hoạch tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị vào Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Do vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật gồm: Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học công nghệ; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị để có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019 là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và bảo đảm nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 – 2030.
Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 59 Luật Quy hoạch.
Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật dựa trên các quan điểm: Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân hoặc sửa đổi tên các quy hoạch ngành bảo đảm phù hợp với danh mục quy hoạch ngành quốc gia được quy định tại Phụ lục I của Luật Quy hoạch. Duy trì các mục tiêu, yêu cầu về chính sách quản lý Nhà nước của các ngành, tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật và có xem xét đến các yếu tố đặt thù của lĩnh vực; Bảo đảm đủ căn cứ pháp lý để bổ sung nguồn kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017 – 2020 cho công tác lập quy hoạch cho giai đoạn 2021 – 2030.
Dự thảo Luật bao gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 1 điều về quy định hiệu lực thi hành luật.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Kinh tế bày tỏ cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch; cho rằng theo quy định tại khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 5 Điều 59 Luật Quy hoạch, Chính phủ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy cơ quan trình dự án Luật đã chuẩn bị tương đối đầy đủ về hồ sơ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ bản bảo đảm trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp.
Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Kinh tế nhận thấy về cơ bản, các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch của các luật nêu trên đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch. Đối với những nội dung được yêu cầu sửa đổi, bổ sung tại Phụ lục III của Luật Quy hoạch nhưng không thực hiện thì cần báo cáo, giải trình với Quốc hội.
Sau khi nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học công nghệ; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật này. Đồng thời, Quốc hội cũng thảo luận tại tổ về Dự án Luật Trồng trọt.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()