Theo cơ chế luân phiên của AIPA, lần thứ hai Việt Nam vinh dự tiếp nhận chức Chủ tịch AIPA và đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng AIPA lần thứ 31 diễn ra từ ngày 19 đến ngày 25-9-2010 tại Hà Nội.
Tại phiên bế mạc Đại hội đồng AIPA-30 tổ chức tại Thái-lan, Chủ tịch Quốc hội Thái-lan, Chủ tịch AIPA-30 đã trân trọng trao chiếc búa, biểu tượng quyền lực của AIPA cho Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và cùng ký biên bản bàn giao chức Chủ tịch AIPA.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, việc tiếp nhận chức vụ Chủ tịch AIPA-31 không chỉ là thực hiện nghĩa vụ của một thành viên AIPA theo cơ chế luân phiên mà còn là dịp phát huy vai trò của Quốc hội nước ta trong kênh hợp tác liên nghị viện khu vực Đông-Nam Á, góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là dịp để chúng ta giới thiệu với bạn bè quốc tế về Việt Nam, làm cho bạn bè hiểu về đất nước và con người Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới, ghi dấu ấn Việt Nam, nhất là trong năm 2010, năm có nhiều ngày lễ lớn, nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Từ đó, hỗ trợ việc tăng cường tiến trình thực hiện Hiến chương ASEAN và xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Việc Quốc hội Việt Nam tiếp nhận và đảm nhiệm chức Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2009 – 2010 còn là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược tham gia và hợp tác của Việt Nam trong ASEAN, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong nhiệm kỳ AIPA-31, chúng ta mong muốn thúc đẩy hợp tác liên nghị viện ở khu vực Đông-Nam Á một cách hiệu quả, thực chất hơn; cụ thể hóa tư tưởng của chủ đề Năm AIPA-31 là Đoàn kết, hợp tác, phát triển thành các sáng kiến nghị quyết thiết thực, góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Về tổng thể, trong nhiệm kỳ 2009-2010, Quốc hội nước ta mong muốn đưa ra được các sáng kiến nghị quyết tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa các thành viên AIPA; tăng cường hợp tác và liên kết trong khu vực, triển khai có hiệu quả các nghị quyết của AIPA và góp phần tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Chương trình nghị sự của AIPA-31 hướng đến các nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, tạo diễn đàn quan trọng để nghị viện các nước, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân từng quốc gia tại khu vực bày tỏ quan điểm, trao đổi chân thành và thẳng thắn, góp phần giải quyết các vấn đề phức tạp có lý, có tình; tăng cường đồng thuận, thu hẹp bất đồng. Thông qua các hoạt động của diễn đàn để thiết lập quan hệ hữu nghị và đoàn kết, tăng cường sự hiểu biết, thông cảm và tôn trọng lẫn nhau, tạo tiền đề vững chắc cho hợp tác quốc tế.
Thứ hai, Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp nghị viện các nước để đề ra các nghị quyết thiết thực góp phần khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thúc đẩy phát triển bền vững, tập trung vào việc góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN, hỗ trợ chính phủ các nước ASEAN thực hiện các chương trình hợp tác về phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa-xã hội, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, thúc đẩy quá trình liên kết khu vực, duy trì an ninh, mở rộng hợp tác với bên ngoài.
Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa AIPA và ASEAN, hình thành cơ chế trao đổi giữa lãnh đạo AIPA và lãnh đạo ASEAN, giữa Chủ tịch AIPA và Chủ tịch ASEAN, giữa hai ban thư ký của hai tổ chức này; củng cố liên kết nội khối, tăng cường hợp tác với các nước đối tác quan sát viên của AIPA, giữa AIPA với Nghị viện châu Âu (EP).
Thứ tư, tiếp tục bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của AIPA, theo đó, cần củng cố kiện toàn hoạt động của Ban thư ký AIPA, hoạt động của Nhóm tư vấn AIPA…
Các công việc chuẩn bị cho Năm Chủ tịch AIPA-31 đã được triển khai tích cực, chủ động ngay sau khi Việt Nam tiếp nhận chức Chủ tịch AIPA-31 từ tháng 9-2009. Trước đó, vào tháng 6-2009, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước ta đã thảo luận và phê duyệt Đề án tiếp nhận và đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông-Nam Á (AIPA) lần thứ 31.
Để thực hiện thành công vai trò là Chủ tịch AIPA-31, Đề án tổng thể nêu rõ phương châm chủ đạo trong năm Quốc hội nước ta làm Chủ tịch AIPA-31 là:
– Tạo dấu ấn Việt Nam với tư tưởng chủ đạo Đoàn kết, hợp tác, phát triển, tăng cường hợp tác cùng phát triển; làm tốt chức năng Chủ tịch trong nhiệm kỳ 2009-2010 và trong kỳ họp Đại hội đồng AIPA-31; chủ động đưa ra những sáng kiến phù hợp nhằm tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của AIPA trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
– Tham gia một cách chủ động, tích cực, hiệu quả các hoạt động của AIPA, đóng góp vào việc gắn kết các nước thành viên; tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và đồng thuận trong nội bộ AIPA.
– Củng cố sự hợp tác trong ASEAN theo hướng hài hòa giữa hợp tác an ninh, chính trị với hợp tác về kinh tế, thương mại, tìm ra những giải pháp dưới góc độ của các hoạt động nghị viện để cùng với chính phủ các nước giải quyết những khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây nên, thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực.
– Tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA-31 với tinh thần trọng thị, chu đáo, an toàn, thiết thực và tiết kiệm.
Nhằm thực hiện các mục tiêu này, trong thời gian qua, với cương vị Chủ tịch AIPA-31, Quốc hội nước ta đã chủ động, tích cực tổ chức nhiều hoạt động trong khuôn khổ của AIPA-31. Cụ thể là vào đầu tháng 12-2009, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA về tăng cường vai trò của nữ nghị sĩ trong quá trình xây dựng pháp luật. Hội nghị được tổ chức chu đáo với sự tham gia đầy đủ của các nữ nghị sĩ đến từ các nghị viện thành viên AIPA, các tổ chức quốc tế để bàn các biện pháp thúc đẩy, phát huy vai trò của nữ nghị sĩ trong công tác xây dựng pháp luật. Đây có thể coi như hoạt động mở màn của năm Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch AIPA-31.
Tiếp đó, Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA-31 cũng đã có chuyến thăm và làm việc với Ban Thư ký AIPA, Ban Thư ký ASEAN để bàn về sự phối hợp công tác giữa hai ban thư ký với Ban Thư ký quốc gia AIPA-31; làm việc với Quốc hội Phi-li-pin vào tháng
1-2010 để thúc đẩy việc bổ nhiệm Tổng Thư ký mới của AIPA vì vị trí này bị khuyết do Tổng Thư ký đầu tiên của AIPA, ông Đ.Y. Da-in mất đột ngột; tổ chức Lễ bổ nhiệm ông An-tô-ni-ô Cu-en-cô, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ nghị viện Phi-li-pin, làm Tổng Thư ký mới của AIPA nhiệm kỳ 2010-2013 vào tháng 2-2010; tổ chức Hội nghị AIPA về vai trò của các nhà lập pháp đối với khủng hoảng tài chính và phát triển bền vững vào tháng 3-2010; tổ chức Hội nghị lần thứ bảy của Ủy ban Điều tra thực trạng AIPA (AIFOCOM) nhằm đấu tranh chống hiểm họa ma túy vào tháng 4-2010. Quốc hội nước ta cũng đã phối hợp Chính phủ tổ chức cuộc họp giữa lãnh đạo nghị viện các nước thành viên AIPA với người đứng đầu Chính phủ các quốc gia ASEAN vào tháng 4-2010, với nội dung thiết thực, phát huy vai trò nước chủ nhà AIPA và vai trò của Quốc hội Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a vào tháng 3-2010, Chủ tịch Quốc hội nước ta, Chủ tịch AIPA-31 cũng đã tiếp Tổng Thư ký AIPA An-tô-ni-ô Cu-en-cô và Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pít-xu-văn để thảo luận về những vấn đề cụ thể nhằm tăng cường hợp tác giữa các bên, góp phần cho thành công của các hoạt động trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA. Tổng Thư ký AIPA và Tổng Thư ký ASEAN đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động và sự chuẩn bị chu đáo của Việt Nam về mọi mặt và tin tưởng rằng Đại hội đồng AIPA-31 sẽ thành công tốt đẹp.
Cho đến nay, hầu hết các công việc đã được Quốc hội Việt Nam chuẩn bị chu đáo. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sớm quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia; Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA-31 (gồm Tiểu ban Nội dung-Tuyên truyền và Tiểu ban Lễ tân-Hậu cần-An ninh) và Ban Thư ký AIPA-31.
Ý kiến ()