Quốc hội tuần qua: Những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm cao
Tuần qua, hàng loạt vấn đề kinh tế- xã hội thời sự thiết thân mang tính quốc kế dân sinh được đặt lên bàn nghị sự để đại biểu Quốc hội thảo luận. Từ chuyện ODA, bội chi ngân sách, tình hình sản xuất- kinh doanh của giới doanh nghiệp nước nhà, đến kiến nghị giải pháp cấp bách giảm số người nghiện ma túy, thực hiện lộ trình tăng lương, v.v.
NDĐT – Tuần qua, hàng loạt vấn đề kinh tế- xã hội thời sự thiết thân mang tính quốc kế dân sinh được đặt lên bàn nghị sự để đại biểu Quốc hội thảo luận. Từ chuyện ODA, bội chi ngân sách, tình hình sản xuất- kinh doanh của giới doanh nghiệp nước nhà, đến kiến nghị giải pháp cấp bách giảm số người nghiện ma túy, thực hiện lộ trình tăng lương, v.v.
Sôi nổi từ ODA đến “cấp phó”
Không khí của kỳ họp thứ tám dường như nhộn hẳn khi vào ba ngày cuối tuần, Quốc hội tiến hành thảo luận sâu rộng những vấn đề quan trọng nổi bật hiện nay đang được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm. Theo quan sát của anh em báo giới hoạt động hành lang nghị trường, kỳ họp này đáng mừng là có nhiều đại biểu Quốc hội rất thẳng thắn nêu và phân tích sâu, mang tính thuyết phục đối với không ít vấn đề góc cạnh của cuộc sống.
Ý kiến một số đại biểu cho rằng, trong khi các báo cáo của Chính phủ về kinh tế- xã hội, về lĩnh vực thực hiện kế hoạch phân bổ NSNN còn có chỗ dàn trải, đều đều, chưa rõ nét, thì phát biểu ý kiến của không ít đại biểu về từng chủ đề, vấn đề lại khá tập trung, xoáy sâu, chỉ sát sự vật, sự việc. Trên hết, đại biểu đã đưa ra sáng kiến giải pháp, đường hướng giải quyết bao quát mang tầm nhìn trước mắt và lâu dài.
“20 năm qua, dù đã xảy ra không ít vụ gây chấn động dư luận, nhưng Quốc hội chưa một lần giám sát tối cao về ODA!”. (Đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội). |
Chung quanh câu chuyện sử dụng vốn ODA nhìn lại trong suốt 20 năm qua, nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu tính minh bạch, công khai các dự án trong quá trình phân bổ vốn, công khai các dự án và công trình phân bổ. Vấn đề quan trọng hơn cần sự nhận thức đúng của toàn xã hội đối với ODA, “ODA không có nghĩa là cho không!”. Sâu xa hơn, khi đất nước phát triển từng bước đi lên, đủ ăn đủ chi, không còn nằm trong số nhóm quốc gia thu nhập thấp nữa, thì bấy giờ điều kiện vay và trả nợ sẽ khó khăn hơn nhiều. Điều nhãn tiền là nếu không khéo, lạm dụng ODA quá, sẽ để lại gánh nợ trên vai cho con cháu sau này… Các nhà kinh tế từng cảnh báo ODA, bởi lẽ đây được coi “sát thủ kinh tế”, là “bẫy ODA”…
Liên hệ kinh nghiệm sử dụng vốn vay nước ngoài thành công của các nước Xin-ga-po, Hàn Quốc, Thái-lan nếu được quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả, đại biểu Nga cho rằng: Việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ODA là hết sức cấp bách, nhất là trong tình hình nợ công và tham nhũng hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá- Đoàn đại biểu Quốc hội Trà Vinh trả lời phỏng vấn báo chí.
Đại biểu chỉ ra, “đây là một nguyên nhân không nhỏ góp phần làm những bất cập, sai phạm trong dùng ODA chậm được khắc phục, làm đẩy nợ công lên sát ngưỡng mất an toàn”. Đại biểu kiến nghị QH tiến hành giám sát tối cao và ban hành luật về ODA. Tiếp đó tăng cường kiểm soát chặt chẽ hiệu quả sử dụng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong ODA. Mặt khác, sử dụng ODA có chọn lọc, hạn chế và có lộ trình chấm dứt ODA trong tương lai gần.
Một trong những sáng kiến hiến kế cho QH giải bài toán ngân sách trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên- Huế) nêu giải pháp với tình trạng “lạm phát” cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách. Đại biểu phân tích, qua thống kê có 139 nghìn cơ quan hành chính sự nghiệp và tổ chức hưởng ngân sách Nhà nước. Như thế, có khoảng 139 nghìn cấp trưởng là người đứng đầu, cùng với đó là “gấp hai, gấp ba, gấp bốn, gấp năm lần số cấp phó”.
Đại biểu Nhã đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định việc bố trí cấp phó trong các cơ quan đơn vị không quá ba, trường hợp cần thiết tăng thêm thì phải báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.
Lo tham nhũng nhà công vụ
Mở đầu phần phát biểu phiên thảo luận sáng 31-10, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (Quảng Trị) sau khi “trưng” ra những số liệu “biết nói” phản ánh thực tế vấn nạn tham nhũng, đã phân tích rõ khía cạnh “tham nhũng nhà công vụ” hiện nay. Nhiều cá nhân, cán bộ cố tình biến nhà công vụ thành nhà tư vụ, vô hình chung chính sách nhà công vụ đang tạo ra sự bất bình đẳng, mất công bằng giữa các lãnh đạo quản lý với nhau, giữa cán bộ lãnh đạo trung ương và địa phương…
“Cấp phó nhiều tất yếu bội chi ngân sách tăng lên. Với mỗi đơn vị có một cấp phó, hằng năm tiền phụ cấp điện thoại, xăng xe, điện nước, công tác phí khoảng 30 triệu đồng, nhân lên với 139 nghìn cấp phó đã mất hơn 4.000 tỉ đồng! (Đại biểu Trần Đình Nhã- Tỉnh Thừa Thiên- Huế). |
Trong phần kết luận, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nhận dạng và đưa vào Bộ luật hình sự (sửa đổi) tội danh tham nhũng mới là “tham nhũng nhà công vụ”. “Nếu Chính phủ có giải pháp phù hợp thu hồi nhà ở công vụ, biệt thự công, thì sẽ “ngày ngày đẻ trứng vàng cho ngân sách”- đại biểu Lê Như Tiến nói.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí bên lề hội trường, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nên nhìn nhận dưới góc độ ý thức. Cán bộ nghỉ hưu chưa trả nhà có thể do nhà nước chưa thu. Vì thế “không thể nói người ta chiếm đoạt, tham nhũng được”.
Bộ trưởng cũng nhìn nhận quá trình thực hiện chính sách thì “đa số thực hiện đúng, nhưng cũng có một số trường hợp chưa thực hiện đúng như đại biểu QH đã nêu, thì cần phải sớm khắc phục ngay.
“Có thực tế những chính sách, quy định pháp luật về nhà ở công vụ thời gian qua chưa đầy đủ, cụ thể. Thậm chí, Luật Nhà ở năm 2005 quy định chưa rõ về đối tượng, giá thuê, thời hạn sử dụng”… Bộ trưởng cho biết: Chính phủ đã thấy những thực trạng, nguyên nhân tình hình quản lý nhà ở công vụ có nơi chưa tốt. “Có tình trạng người đã hết thời gian công tác, có nhà rồi nhưng không trả lại nhà. Đây là lỗ hổng pháp luật cần phải có quy định”. Ông Trịnh Đình Dũng phân tích.
Dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) sắp tới được đại biểu Quốc hội thông qua, có nội dung quy định, sau khi trả nhà công vụ thì cán bộ, công chức, viên chức… nếu có nhu cầu sẽ được giải quyết mua nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời phỏng vấn chung quanh vấn đề nhà ở, tình trạng quản lý thị trường bất động sản, công trình thủy lợi được nhiều đại biểu quan tâm.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ tán đồng với nội dung trình bày và kiến nghị tâm huyết của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) nhằm tháo gỡ những bất cập, khó khăn trong việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc hiện nay. Đại biểu đề xuất Quốc hội có Nghị quyết ngay trong kỳ họp này về vấn đề này, qua đó giúp TP Hồ Chí Minh triển khai cơ chế thí điểm để phát hiện và cai nghiện, trước mắt giúp 19 nghìn đối tượng trên địa bàn thành phố. Việc xử lý vấn đề này đang rất bất cập nhưng trong Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập tới.
“Điều cần làm là giải quyết chính sách cho cán bộ, công chức sau khi họ trả nhà công vụ rồi. Tại kỳ họp thứ tám Quốc hội Khóa XIII, Bộ Xây dựng kiến nghị trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một chương quy định về nhà công vụ”. (Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng). |
Ý kiến của đại biểu là kết quả lắng nghe ý kiến rộng rãi của nhân dân, các đồng chí lãnh đạo thành phố. Hơn nữa, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi đến Chủ tịch Quốc hội, các vị có trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội.
Trao đổi bên lề kỳ họp, chúng tôi thấy đề nghị của đại biểu Tâm nhận được sự đồng tình của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Được biết, ngay sau hôm thảo luận, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã có cuộc làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao đổi cụ thể hơn về “giải pháp tình thế” liên quan việc “cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý” giúp người nghiện ma túy.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()