Quốc hội thông qua năm dự án luật quan trọng
Chiều 25-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua năm dự án luật quan trọng gồm: Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật tạm giữ, tạm giam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), Luật trưng cầu ý dân, Luật phí, lệ phí.
Sau đây NDĐT xin điểm lại một số nội dung mới trong các dựa án luật vừa được Quốc hội thông qua.
Pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày cho biết, nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào Bộ luật Hình sự và quy định phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân như dự thảo. Một số ý kiến đề nghị mở rộng hơn nữa phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Có ý kiến đề nghị chỉ giới hạn phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này vì áp dụng hình phạt sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là nội dung mới trong lần sửa đổi này. Đây là vấn đề đã được Chính phủ nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn. Việc bổ sung quy định này vào Bộ luật Hình sự là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Kết quả lấy ý kiến nhân dân và lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội bằng phiếu cho thấy, đa số đều tán thành việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân như dự thảo Bộ luật Hình sự. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bổ sung vào dự thảo Bộ luật Hình sự quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Cụ thể: sửa đổi quy định về cơ sở trách nhiệm hình sự (Điều 2), về khái niệm tội phạm (Điều 8); quy định các hình phạt đối với pháp nhân (Điều 33); điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân (Điều 75).
Theo điều 76 của luật mới, pháp nhân sẽ bị xử lý hình sự đối với 31 tội danh thuộc Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) và Chương các tội phạm về môi trường (Chương XIX).
Luật mới cũng quy định bỏ tử hình ở bảy tội danh gồm: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394); Tội đầu hàng địch (Điều 399).
Luật mới cũng bổ sung quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Bộ luật Hình sự (sửa đổi) gồm 24 chương, 426 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.
Cấm tra tấn, truy bức người bị tạm giam
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được Quốc hội thông qua chiều nay cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Cụ thể, luật cấm các hành vi tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Các hành vi khác cũng bị nghiêm cấm như giam giữ người trái pháp luật; trả tự do trái pháp luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam; vi phạm quy định trong việc quản lý, canh gác, áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, thực hiện quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân…
Luật cũng tách các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an để tổ chức độc lập với cơ quan điều tra và giao cho một phó tổng cục trưởng không phải là thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra tội phạm.
Luật còn quy định các quyền về yêu cầu được trả tự do sau khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam. Các quyền khác của người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của luật là được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ; được bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND. Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo và tài liệu; được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự… Ngoài ra có các chế độ về ăn ở, chăm sóc y tế và thăm thân đối với những người bị tạm giữ, tạm giam đặc biệt như người chưa thành niên, phụ nữ có thai, sinh con, người khuyết tật nặng, người già trên 75 tuổi…
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 11 chương, 73 điều, có hiệu lực từ 1-7-2016.
Tạo hành lang pháp lý để đột phá phát triển hàng hải
Trong phiên làm việc chiều 25-11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Bộ Luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) với 20 chương, 434 điều.
Trước khi thông qua toàn bộ luật, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Điều 7 của Dự thảo bộ Luật về Chính sách của Nhà nước về phát triển hàng hải. Theo đó, Nhà nước có chính sách phát triển hàng hải phục vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ Tổ quốc. Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải thông qua chính sách ưu tiên trong quy hoạch cảng biển và thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải. Ưu tiên phát triển đội tàu vận tải biển thông qua chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất vay vốn trong đầu tư phát triển đội tàu và trong hoạt động vận tải biển.
Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực hàng hải; phát triển đội ngũ thuyền viên đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế thông qua các chính sách về đào tạo, huấn luyện thuyền viên; tiêu chuẩn, chế độ lao động của thuyền viên.
Tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh việc tham gia các tổ chức quốc tế về hàng hải, ký kết, gia nhập và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về hàng hải.
Khuyến khích nghiên cứu và chuyển giao các ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực hàng hải. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển đội tàu biển, cảng biển, công nghiệp tàu thủy; tham gia cung cấp dịch vụ công ích trong lĩnh vực hàng hải và thực hiện các hoạt động hàng hải khác theo quy định tại Việt Nam.
Luật mới cũng quy định phân loại cảng biển như sau: Cảng biển đặc biệt là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế. Cảng biển loại I là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước hoặc liên vùng. Cảng biển loại II là cảng biển có quy mô vừa phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Cảng biển loại III là cảng biển có quy mô nhỏ phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp loại cảng biển và công bố Danh mục cảng biển theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố Danh mục bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam theo đề nghị của Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, trước ý kiến đề nghị nên áp dụng mô hình “Chính quyền cảng” giống như ở một số nước có ngành hàng hải phát triển để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong khai thác cảng biển ở nước ta, góp phần phát triển kinh tế biển trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định mô hình chính quyền cảng hiện đang được áp dụng có hiệu quả ở nhiều nước có ngành hàng hải phát triển. Đây là tổ chức có quyền tự chủ rất cao (về quy hoạch, xây dựng, cho thuê đất, cầu cảng, thực hiện một số chức năng của cảng vụ…).
Tuy nhiên, đối với nước ta, đây là vấn đề mới, nếu áp dụng ngay sẽ gặp nhiều vướng mắc, chẳng hạn như việc trao một số thẩm quyền về quản lý nhà nước tại khu vực cảng cho “chính quyền cảng” nhưng chính quyền cảng lại là doanh nghiệp… Ngoài ra, việc sử dụng cụm từ “Chính quyền cảng” sẽ gây nhầm lẫn với quy định về Chính quyền địa phương tại Điều 111 và Điều 112 của Hiến pháp.
Do vậy, trong sửa đổi Bộ luật lần này chỉ mới áp dụng một số điểm của mô hình chính quyền cảng thông qua việc cho phép thành lập Ban quản lý và khai thác cảng tại một số khu vực cảng biển sẽ được đầu tư mới, nhằm khắc phục những hạn chế trong việc đầu tư, khai thác manh mún, thiếu hiệu quả như tại một số cảng biển thời gian qua, tăng cường hiệu quả của hoạt động quản lý, khai thác cảng biển.
Bộ luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2017.
Phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân
Theo Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội thông qua chiều 25-11, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân đối với: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước hoặc vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Ngoài ra, theo Luật Trưng cầu ý dân, ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân là ngày chủ nhật, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của mặt trận và nhân dân giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật.
Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân. Kinh phí tổ chức trưng cầu ý dân do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Luật Trưng cầu ý dân nghiêm cấm việc tuyên truyền, đưa thông tin sai lệch về nội dung, ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân; dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép, cản trở làm cho cử tri không thực hiện hoặc thực hiện việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân trái với mong muốn của mình; giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân; lợi dụng việc trưng cầu ý dân để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân…
Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật Trưng cầu ý dân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người nào cản trở hoặc trả thù người khiếu nại, tố cáo về trưng cầu ý dân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật Trưng cầu ý dân gồm tám chương, 52 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017.
Ngoài ra, Luật phí, lệ phí được Quốc hội thông qua cuối cùng trong buổi chiều nay. Luật khung này có sáu chương, 25 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2017. Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()