Quốc hội thông qua Luật Hải quan và Luật Bảo vệ môi trường
Ngày 23-6, Quốc hội đã thông qua hai dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và thảo luận hai dự thảo luật khác là Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.
Tăng thẩm quyền của hải quan
Sáng nay, với 453 đại biểu Quốc hội (ĐBQH), bằng 91,16% tổng số ĐBQH, QH đã thông qua Luật Hải quan (sửa đổi). Trước đó, với số phiếu tán thành cao, QH đã thông qua một số điều khoản quan trọng trong dự thảo Luật.
Báo cáo Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý đọc trước đó cho thấy, những đóng góp của ĐBQH vào một số nội dung, điều, khoản cụ thể đã được Ủy ban Thường vụ QH chỉ đạo Ủy ban thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình QH.
Về thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc áp dụng phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo một số biện pháp nghiệp vụ mà hải quan đã thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua để tạo cơ sở pháp lý cho hải quan hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy, việc liệt kê các biện pháp nghiệp vụ hải quan trong Luật sẽ không đầy đủ, vì vậy đề nghị QH cho tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng bổ sung vào khoản 6 Điều 88 giao Chính phủ quy định chi tiết biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan.
Có ý kiến cho rằng các biện pháp kiểm soát hải quan quy định tại khoản 2 Điều 89 chưa thống nhất với giải thích khái niệm kiểm soát hải quan tại khoản 11 Điều 4, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho tiếp thu ý kiến ĐBQH và chỉnh lý lại khoản 11 Điều 4, khoản 2 Điều 89 cho phù hợp.
Về thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 90), có ý kiến đề nghị bổ sung chức danh đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu vào khoản 1 Điều 90 của dự thảo Luật cho phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính. Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho tiếp thu ý kiến ĐBQH và chỉnh lý như trong dự thảo Luật.
Luật Hải quan sửa đổi được QH thông qua gồm 8 chương, 104 điều, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2015.
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm, nghĩa vụ
Đầu buổi chiều, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) (sửa đổi) với đa số phiếu tán thành.
Luật BVMT (sửa đổi) gồm có 20 chương, 170 điều trong đó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường theo nguyên tắc Nhà nước quản lý thống nhất về bảo vệ môi trường; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng về bảo vệ môi trường; xác định rõ hơn nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường và nhiệm vụ được chi từ kinh phí sự nghiệp môi trường; bổ sung thêm nội dung mới về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; gắn kết bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường với biến đổi khí hậu; nhấn mạnh tăng trưởng xanh, khuyến khích phát triển công nghiệp và đô thị sinh thái; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường.
Theo Luật BVMT (sửa đổi), bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. BVMT gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu chất thải. BVMT quốc gia gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu; BVMT bảo đảm không phương hại chủ quyền, an ninh quốc gia. Hoạt động bảo vệ môi trường phải thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường.
Tổ chức, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường, phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Về quy hoạch BVMT, hầu hết ý kiến các vị ĐBQH tán thành với quy định về quy hoạch BVMT như trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên, có một số ĐBQH có thêm đề nghị: Chỉnh sửa khái niệm quy hoạch BVMT cho chính xác hơn và nên bổ sung Chiến lược BVMT quốc gia vào căn cứ xây dựng quy hoạch BVMT; thể hiện một cách mạch lạc giữa quy hoạch BVMT với một số quy hoạch khác để tránh chồng chéo; bổ sung quy hoạch BVMT vùng kinh tế – xã hội và quy hoạch BVMT cấp huyện.
Về vấn đề này, Ủy ban TVQH cho rằng các ý kiến nêu trên là xác đáng và tiếp thu như sau: Khái niệm quy hoạch BVMT trong Dự thảo Luật đã được chỉnh sửa và làm rõ hơn thể hiện tại khoản 21 Điều 3. Đồng thời, đã bổ sung thêm căn cứ để xây dựng quy hoạch BVMT là Chiến lược BVMT quốc gia quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Dự thảo Luật.
Để tránh chồng chéo giữa quy hoạch BVMT với các quy hoạch khác, Dự thảo Luật đã được tiếp thu theo hướng quy định rõ các nguyên tắc trong xây dựng quy hoạch BVMT. Theo đó, quy hoạch BVMT phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh và chiến lược BVMT quốc gia; bảo đảm tính thống nhất với quy hoạch sử dụng đất…, hạ tầng kỹ thuật BVMT phải gắn với hệ thống các giải pháp BVMT liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội nhằm bảo đảm phát triển bền vững.
Về đề nghị bổ sung quy hoạch BVMT vùng kinh tế – xã hội và quy hoạch BVMT cấp huyện, Ủy ban TVQH cho rằng nội dung quy hoạch BVMT cấp quốc gia đã bao hàm nội dung BVMT các vùng kinh tế – xã hội. Quy hoạch BVMT cấp tỉnh đã bao hàm BVMT các huyện thuộc tỉnh. Do đó, Ủy ban TVQH cho rằng quy định như Dự thảo Luật là phù hợp.
Về yêu cầu làm rõ mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, có ý kiến ĐBQH đề nghị phải quy định rõ các khái niệm về mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trong Luật để làm cơ sở xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân.
Ủy ban TVQH nhận thấy việc quy định rõ các khái niệm về mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường “nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng” là không đơn giản, liên quan đến rất nhiều chỉ số hóa học, lý học, sinh học và phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Do đó, về vấn đề này Dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp và khả thi hơn
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()