Luật này quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý nhà nước về đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, hoạt động đầu tư công phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Việc thực hiện chương trình, dự án đầu tư công tại nước ngoài tuân thủ các quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế giữa bên Việt Nam với bên nước ngoài.
Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến đề nghị sắp xếp lại các quy định về công khai, minh bạch trong đầu tư công tại Điều 14 cho phù hợp với quy trình của hoạt động đầu tư công. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh sửa Điều 14 của dự thảo Luật theo hướng quy định rõ trình tự, các nội dung phải thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc công khai các nội dung đầu tư công theo quy định của pháp luật.
Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể tiêu chí và cách thức đánh giá hiệu quả đầu tư công trong dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung yêu cầu tính toán cụ thể hiệu quả đầu tư về kinh tế – xã hội của chương trình, dự án tại Điều 34, Điều 35 và Điều 36 của dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trường hợp nào được điều chỉnh dự án đầu tư công để tránh việc điều chỉnh quy mô, tổng mức vốn đầu tư một cách tùy tiện. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin bổ sung Điều 46 quy định các trường hợp được điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư công.
Có ý kiến đề nghị làm rõ nội dung về giám sát cộng đồng, thẩm quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc tổ chức giám sát cộng đồng đối với các chương trình, dự án đầu tư công. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung quy định trình tự, thủ tục, quy trình giám sát đầu tư của cộng đồng tại Điều 83 của dự thảo Luật; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia thực hiện giám sát cộng đồng đối với các chương trình, dự án đầu tư công tại Điều 95 của dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp vi phạm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các hình thức xử lý vi phạm pháp luật đã được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động đầu tư công như Luật Đấu thầu, Luật Quản lý và sử dụng tài sản của Nhà nước, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng… Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh sửa quy định về chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công từ Điều 97 đến Điều 105 của dự thảo Luật. Theo đó, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại tùy theo tính chất, mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trong sáng 18-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Ý kiến ()