Quốc hội thông qua ba luật
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Xem xét bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện KSND tối cao
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; đồng thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế, không mở rộng sửa đổi sang các nội dung của Luật đã có tính ổn định, bền vững.
Trong đó, dự thảo Luật có bổ sung quy định Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh, là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Các đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Hoàng Ðức Thắng (Quảng Trị). Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho rằng, việc bổ sung Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao như trong dự thảo Luật là phù hợp. Trong thực tế hoạt động của CAND, QÐND có tổ chức đơn vị kỹ thuật hình sự để thực hiện giám định tư pháp và thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ khác. Riêng Viện KSND tối cao có phòng kỹ thuật hình sự để phục vụ điều tra nghiệp vụ nhưng hiện chưa được bổ sung chức năng giám định tư pháp. Việc bổ sung này vừa để tương đồng với các cơ quan nêu trên, vừa bổ sung thêm lựa chọn khi trưng cầu giám định sẽ cho kết quả khách quan hơn…
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, đây là nội dung hoàn toàn mới, chưa được đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật, hồ sơ dự án Luật chưa báo cáo, đánh giá đầy đủ về vấn đề này. Theo đại biểu Dương Ngọc Hải (TP Hồ Chí Minh) cần cân nhắc việc bổ sung chức năng này cho Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao, bởi việc bổ sung chức năng thường đi kèm biên chế. Ðại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Ðịnh) cho biết, báo cáo của Bộ Tư pháp về giám định tư pháp ở một số nước trên thế giới cho thấy, hầu hết các nước giao công tác giám định kỹ thuật hình sự cho Bộ Công an. Vì vậy, cần làm rõ việc bổ sung này có làm phân tán nguồn lực về con người và cơ sở vật chất và có trái với tinh thần của Nghị quyết về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hay không?
Tranh luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho rằng, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao đã hình thành, dự thảo luật chỉ bổ sung chức năng giám định tư pháp, cho nên sẽ không phát sinh bộ máy. Việc bổ sung chức năng này đáp ứng đòi hỏi của thực tế, nhất là từ ngày 1-1-2020, khi thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về ghi âm, ghi hình trong hoạt động tố tụng, đặc biệt trong hỏi cung bị can trên phạm vi cả nước, có thể phát sinh nhiều yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh. Trong khi, hiện cả nước mới chỉ có Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thực hiện giám định về lĩnh vực này, dễ dẫn đến quá tải.
Sáng qua, QH đã nghe trình bày và thảo luận ở Ðoàn đối với Tờ trình về dự kiến nhân sự để bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH khóa XIV.
Biểu quyết thông qua ba luật
Buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. QH biểu quyết thông qua Luật này, với 427 đại biểu tán thành, bằng 88,41% tổng số đại biểu QH.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. QH biểu quyết thông qua luật này, với 404 đại biểu tán thành, bằng 83,64% tổng số đại biểu QH.
Sau khi Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; QH biểu quyết thông qua luật này, với 426 đại biểu tán thành, bằng 88,2% tổng số đại biểu QH.
Chiều qua, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng báo cáo kết quả thảo luận tại Ðoàn đại biểu QH và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về dự kiến nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH khóa XIV. QH thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH khóa XIV bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
Sau đó, QH bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH khóa XIV bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trưởng ban Kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố kết quả kiểm phiếu. Theo đó, với 433 đại biểu tán thành, bằng 89,64% tổng số đại biểu QH, căn cứ Nội quy kỳ họp, đồng chí Hoàng Thanh Tùng được bầu giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH khóa XIV.
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH khóa XIV đối với đồng chí Hoàng Thanh Tùng. Với sự tán thành của đa số đại biểu, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Tiếp theo, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách để bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH khóa XIV. QH thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH khóa XIV bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
Sau khi QH bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH khóa XIV bằng hình thức bỏ phiếu kín; Trưởng ban Kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố kết quả kiểm phiếu. Theo đó, với 440 đại biểu tán thành, bằng 91% tổng số đại biểu QH, căn cứ Nội quy kỳ họp, đồng chí Hoàng Thanh Tùng được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH khóa XIV.
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH khóa XIV đối với đồng chí Hoàng Thanh Tùng. QH biểu quyết thông qua Nghị quyết này với sự nhất trí cao.
Ý kiến ()