Quốc hội thông qua 2 luật
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, sáng 14/6, Quốc hội thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ
Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020
Với 85,54% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi).
Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục.
Luật nêu rõ mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Luật quy định phát triển giáo dục gồm các nội dung: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ, nguồn nhân lực và phù hợp vùng miền; mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng. Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời.
Luật cũng nêu lên tính chất, nguyên lý giáo dục gồm: Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Hoạt động giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
Về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, luật quy định: Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.
Luật Giáo dục (sửa đổi) có 9 chương, 115 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục số 44/2009/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Trong “Quy định chuyển tiếp”, Luật Giáo dục (sửa đổi) nêu rõ: Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm được tuyển sinh trước ngày Luật có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được áp dụng theo Khoản 3 Điều 89 của Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Giáo dục số 44/2009/QH12./.
*Cũng trong sáng 14/6, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ với 92,56% đại biểu tán thành.
Trước đó, trong ngày 20/5 và ngày 31/5/2019, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.
Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành và việc Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Luật được thông qua có 4 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến các nội dung: Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm; sáng chế; hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; các loại quyền sở hữu công nghiệp;…
Trong quy định chuyển tiếp, Luật nêu rõ trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực, cá nhân, tổ chức đang cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo quy định tại Luật này. Trường hợp sau 1 năm không đáp ứng các quy định về điều kiện thì cá nhân, tổ chức không được tiếp tục cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện.
Các đơn đăng ký sáng chế, chỉ dẫn địa lý nộp trước ngày 14/1/2019 được tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12.
Các hợp đồng sử dụng nhãn hiệu đã ký kết giữa các bên nhưng chưa được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trước ngày 14/1/2019 chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ 3 kể từ ngày 14/1/2019.
Các vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý trước ngày 14/1/2019 nhưng chưa giải quyết xong thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 để giải quyết.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2019.
Ý kiến ()