Quốc hội thảo luận về việc phong quân hàm cấp tướng trong quân đội
Sáng 6-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Đa số các đại biểu cho rằng việc phong quân hàm cấp tướng trong quân đội cần được cân nhắc thận trọng và xem xét kỹ từng trường hợp cụ thể.
Theo báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cho biết: dự thảo Luật quy định Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Đại tướng là kế thừa Luật sĩ quan hiện hành, đã được thực tiễn kiểm nghiệm từ khi có Luật sĩ quan năm 1958, phù hợp với tổ chức của QĐNDVN. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo QĐNDVN, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cần cân nhắc trần quân hàm Đại tướng của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong mối tương quan với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và của Tổng Tham mưu trưởng vì về mặt nhà nước Tổng Tham mưu trưởng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, là cấp phó của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội quy định trần quân hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là Trung tướng và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM có trần quân hàm cao nhất là Trung tướng. Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Đại tá.
Tại phiên thảo luận các đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ quốc hội. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng việc phong quân hàm cấp tướng cần được xem xét thật cụ thể, bởi hiện nay nhiều ý kiến của nhân dân không đồng tình với số lượng cấp tướng quá nhiều như hiện nay. Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyết (Lâm Đồng): Phong tướng là do nhu cầu tác chiến, nếu tăng số lượng cấp tướng liệu có tăng được sức mạnh của quân đội hay không? Do đó Luật nên cần nhắc để hợp lòng dân – Đại biểu Nguyễn Bá Thuyết đề nghị.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã có ý kiến với Quốc hội: Bộ trưởng cho rằng, đối cấp hàm cao nhất trong quân đội sẽ có sự khắc phục những hạn chế, thay đổi phù hợp để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Với những ý kiến về các nhà trường trường, học viện trong quân đội Bộ trưởng cho rằng, những đơn vị này nhiệm vụ ngày cành nặng nề, vừa nghiên cứu khoa học vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn do đó nếu hạ quân hàm xuống là không hợp lý. Đối với trần quân hàm của Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho rằng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trực thuộc Bộ Quốc phòng cho nên trần quân hàm là Trung tướng là hợp lý. Còn đối với Bộ tư lệnh Quân sự TP. Hồ Chí Minh trực thuốc Quân khu 7, trần quân hàm Thiếu tướng là phù hợp với thực tế, còn nâng trần lên Trung tướng là chưa hợp với lòng dân.
Bô trưởng đề nghị, đối với Học Viên Quốc phòng, Chủ nhiệm khoa Mác Lê Nin; khoa Quân chủng, Binh Chủng, nên để trần quân hàm thiếu tướng vì đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Về Ủy ban Kiểm tra quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban kiểm tra Quân ủy trung ương là Trung tướng, Ủy viên thường trực là Thiếu tướng là phù hợp, đề nghị Quốc hội giữ như Luật hiện hành, nếu nâng lên Thượng tướng là không hợp lý.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị Quốc hội thông qua Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong kỳ họp thứ 8, để có cơ sở pháp lý báo cáo với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thực hiện việc phong quân hàm cấp tướng bảo đảm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()