Quốc hội thảo luận về quy hoạch thủy điện và chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, chiều 13/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện theo Nghị quyết số 40/2012/QH13; và việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, chiều 13/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện theo Nghị quyết số 40/2012/QH13; và việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Chiều 13/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường (Ảnh: Mạnh Hùng) |
Ở nước ta, thủy điện đóng vai trò rất quan trọng đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế – xã hội. Năm 2012, thủy điện đã đóng góp cho hệ thống điện hơn 48% công suất phát điện và gần 44% điện lượng. Thủy điện còn tham gia chống lũ, chống hạn, cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra, thủy điện còn góp phần tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp ở nhiều địa phương, tạo việc làm và điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng khu vực có dự án.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quá trình lập và thực hiện quy hoạch thủy điện đã nảy sinh một số hạn chế, bất cập. Ðể thực hiện việc rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện theo Nghị quyết số 40/2012/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương có liên quan tổ chức rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện trên phạm vi cả nước. Qua rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên cả nước, Chính phủ đã đồng ý loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện bậc thang và 418 dự án thủy điện nhỏ do hiệu quả thấp và có nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường, xã hội; không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.
Về chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh, theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 thì đến năm 2010 phải nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Ðất Mũi với quy mô hai làn xe và đến năm 2020 nâng cấp tuyến đường đạt tiêu chuẩn cao tốc; những đoạn không thể nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cao tốc thì mở rộng mặt cắt ngang đường phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ. Tuy nhiên do khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn, giải phóng mặt bằng nên đến nay vẫn chưa thể thông tuyến từ Pác Bó đến Ðất Mũi, thậm chí nhiều dự án thành phần do thiếu vốn phải tạm dừng, giãn tiến độ thi công.
Chính phủ đề nghị điều chỉnh tiến độ giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án đường Hồ Chí Minh theo hướng: Lùi thời gian hoàn thành việc thông tuyến từ Pác Bó đến Ðất Mũi sang năm 2015. Các đoạn tuyến còn lại và một số cầu hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020; tăng chiều dài toàn tuyến thành 3.183km (thay đổi tăng 16km so với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167 km tại Nghị quyết số 38/2004/QH11).
Trong buổi làm việc, các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung như: Kết quả rà soát quy hoạch thủy điện và trách nhiệm quản lý nhà nước; Công tác quản lý chất lượng, an toàn xây dựng và vận hành hồ chứa, công trình thủy điện; Trồng rừng thay thế và thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng; Bảo vệ môi trường đối với dự án, công trình thủy điện; Bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư các dự án, công trình thủy điện…
Về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung như: Phân kỳ đầu tư; Nguồn vốn thực hiện; Quy mô, tiêu chuẩn, chất lượng công trình; Tiến độ thực hiện; Chiều dài, hướng, tuyến…
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên), đại biểu Huỳnh Minh Hoàng, (đoàn Bạc Liêu) đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cá nhân trong việc lập, quy hoạch thủy điện, đặc biệt với 424 dự án bị loại bỏ.
Các đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ, thời gian qua, đời sống của người dân ở các dự án thủy điện gặp nhiều khó khăn như thiếu điện, cơ sở hạ tầng kém, thiếu đất sản xuất, đất khô cằn. Chích sách bồi thường và tạo việc làm cho người dân còn chậm triển khai. Đại biểu Ly Kiều Vân (đoàn Quảng Trị) đề nghị Chính phủ đẩy nhanh việc ban hành, thực hiện các cơ chế, giải pháp đặc biệt về bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư dự án; bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân. Theo đại biểu Ly Kiều Vân, cần phải quan tâm giải quyết tốt hơn sinh kế cho người dân tái định cư, trước khi thu hồi đất phải xây dựng phương án tái định canh, định cư cho người dân, tránh tình trạng thủy điện đi vào hoạt động mà khu tái định cư chưa hoàn thành; bên cạnh đó cần tạo việc làm, tạo nghề cho người dân…
Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế trong quy hoạch thủy điện. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, việc quy hoạch các dự án thủy điện là quy hoạch đặc thù nhằm phát huy lợi thế về hệ thống sông, ngòi nước ta. Các quy hoạch chỉ mang tính định hướng, không cố định, có thể rà soát, bổ sung và loại trừ nếu không khả thi. Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã loại bỏ nhiều dự án thủy điện không khả thi chứ không phải đợi tới khi Quốc hội ra Nghị quyết xem xét quy hoạch tổng thể về thủy điện.
Về việc loại bỏ 424 dự án và tổn thất liên quan, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: 424 dự án, có dự án có tính khả thi về kinh tế nhưng về môi trường, xã hội không đảm bảo thì được coi là không khả thi, phải loại bỏ. Trong thời gian qua, kinh tế khó khăn nên dự án không được triển khai. Tổn thất với 424 dự án bị loại bỏ, trừ Đồng Nai 6 và 6A, không có chi phí gì đáng kể vì mới chỉ ở giai đoạn thẩm định, rủi ro nhà đầu tư phải chịu…
Ngày mai, 14/11, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục xem xét về công tác nhân sự; buổi chiều, thảo luận ở tổ về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()