Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII, ngày 4/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đông đảo nhân dân, cử tri cả nước cùng theo dõi.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII, ngày 4/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đông đảo nhân dân, cử tri cả nước cùng theo dõi.
Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (Ảnh: Mạnh Hùng) |
Trong ngày làm việc, đã có 44 đại biểu Quốc hội của 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung của Hiến pháp như: Lời nói đầu của Hiến pháp; Tên nước; Quốc ca; Chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế; Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; Vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Công đoàn Việt Nam; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Bảo vệ tổ quốc; Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Chính quyền địa phương, Hội đồng bầu cử quốc gia, Hội đồng Hiến pháp…; Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp…
Về tên nước:ý kiến của các đại biểu trên diễn đàn Quốc hội đều tán thành với phương án tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các ý kiến đồng nhất tên gọi này, thể hiện rõ hình thức chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ; đồng thời tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thu hút và nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) tán thành với quan điểm tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như Hiến pháp 1992. Thượng tọa cho biết Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã xây dựng phương châm hoạt động của mình dựa trên cơ sở tên nước như trên, đó là Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội. Phương châm này đã nhận được sự tán đồng của đông đảo cộng đồng tăng ni, phật tử trong nước và ra sức thực hiện, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Tán thành quan điểm này, đại biểu Quàng Thị Nguyên (Sơn La) cho rằng việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay là không cần thiết và sẽ làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính gây tốn kém, phức tạp. Hơn nữa, việc quy định tên nước như hiện nay là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Về đề xuất xây dựng Hội đồng bảo hiến để giám sát việc tuân thủ Hiến pháp:Là một quan điểm mới, việc xây dựng Hội đồng Hiến pháp cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau xung quanh sự cần thiết, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của thiết chế này. Trong phiên thảo luận ngày 4/6, những ý kiến đồng tình với quan điểm này cho rằng, quy định về Hội đồng Hiến pháp như trong Dự thảo không mâu thuẫn với quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đồng thời thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Có ý kiến đề nghị cần thành lập cơ quan bảo hiến độc lập (Tòa án Hiến pháp) có chức năng phán quyết về các vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp. Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn đối với thiết chế này cho phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) cho rằng, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là không phù hợp với mô hình quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong thể chế chính trị nhất nguyên của Việt Nam. Thực tế cho thấy, thiết chế này chủ yếu phát huy hiệu quả trong các thể chế đa nguyên nhằm thực hiện việc kiềm chế, đối trọng giữa các nhóm quyền lực.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) (Ảnh: Mạnh Hùng) |
Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, hiện chưa nên thành lập Hội đồng Hiến pháp vì chưa định vị được vị thế, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trong các mối quan hệ với Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Mối quan hệ với chức năng giám sát tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban Pháp luật; Mối quan hệ với chức năng giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban; Mối quan hệ với chức năng kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi còn cho rằng, dự kiến về địa vị pháp lý, quyền hạn của Hội đồng Hiến pháp như trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không chỉ thiếu hiệu quả mà còn dẫn tới sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và làm tăng thêm bộ máy quản lý Nhà nước. Vì vậy, khi chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để tạo nên sự thuyết phục về cơ quan Hội đồng Hiến pháp thì nên tiếp tục nghiên cứu, chưa nên điều chỉnh trong Hiến pháp.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nêu ý kiến: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập nhưng không đặt trong Chương Quốc hội mà đặt trong Chương khác, quy định về những thiết chế độc lập như Kiểm toán nhà nước, Hội đồng Bầu cử quốc gia. Điều này là chưa phù hợp.
Nếu coi Hội đồng Hiến pháp là cơ quan độc lập thì Hiến pháp chính là chủ thể thành lập ra. Về nội dung Bảo vệ Hiến pháp, Dự thảo chỉ quy định Hội đồng Hiến pháp xem xét tính hợp hiến đối với văn bản vi phạm pháp luật, cùng vài chủ thể nhất định cũng như tính hợp hiến đối với luật văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bởi một số chủ thể khác như: Kiểm toán nhà nước, Hội đồng Bầu cử quốc gia, và chính quyền địa phương, chưa xem xét tính hợp hiến đối với hành vi vi hiến của văn bản pháp luật khác, chưa quy định thẩm quyền giải thích Hiến pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho Hội đồng Hiến pháp.
Theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Dự thảo cần được xem xét, bổ sung theo hướng, Hội đồng Hiến pháp xem xét tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật do các chủ thể có thẩm quyền ban hành, thực hiện giải thích Hiến pháp, xem xét các giải quyết khiếu nại và hành vi vi phạm Hiến pháp trên cơ sở yêu cầu của chủ thể nhất định. Do cách thức thẩm quyền giải quyết, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa chỉ ra được thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp trong việc phân biệt, giải quyết, giám sát trước khi văn bản chưa ban hành và giám sát sau khi văn bản ban hành. Mức độ giải quyết chưa triệt để, chưa tương xứng với địa vị của một cơ quan hiến định. Mặt khác Dự thảo cũng chưa chỉ ra được cơ chế giải quyết cuối cùng và xác định trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Vì vậy, trong Dự thảo cần phải hoàn thiện theo hướng phân rõ 2 cơ chế xử lý những văn bản đang xây dựng và văn bản có hiệu lực. Ngoài ra, trong Dự thảo phải đề cập đến tăng quyền lực của Hội đồng Hiến pháp thông qua việc quy định rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết kiến nghị của Hội đồng Hiến pháp.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) (Ảnh: Mạnh Hùng) |
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phân tích, chúng ta đang xây dựng Nhà nước theo mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc bổ sung chế định bảo hiến độc lập là bước đổi mới cần thiết, phù hợp với tình hình mới của đất nước. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị cần đặt tên thiết chế này là Hội đồng Bảo hiến (Hội đồng bảo vệ Hiến pháp); đồng thời bổ sung vào chức năng, nhiệm vụ Hội đồng Bảo hiến báo cáo kết quả hoạt động đối với Quốc hội. Đại biểu đề nghị Chủ tịch nước sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo hiến, để thay mặt Hội đồng này kiến nghị với Quốc hội xem xét lại những điều luật và yêu cầu các cơ quan hủy bỏ những văn bản vi hiến.
Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị cần bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn đối với thiết chế này cho phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, cần nghiên cứu mô hình bảo hiến độc lập.
Cùng quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng việc thành lập Hội đồng Bảo hiến là phù hợp nhưng cần tăng thêm quyền hạn cho Hội đồng này với các thẩm quyền: đình chỉ, hủy bỏ văn bản vi hiến của các cơ quan Nhà nước khi đã đề nghị hủy bỏ mà không được thực thi.
Về sự lãnh đạo của Đảng,đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) tán thành, ghi nhận và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp. Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội là yêu cầu khách quan và cũng là sự lựa chọn của lịch sử của dân tộc. Điều đó được chứng minh trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp đạo luật cơ bản của nhà nước phải đảm bảo 3 yêu cầu: Thứ nhất, hiến định bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng. Thứ hai, quy định trách nhiệm của Đảng. Thứ ba, giới hạn về tổ chức hoạt động của Đảng (đó là trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật).
Điều 4 của Dự thảo Hiến pháp đã thỏa mãn cả 3 yêu cầu trên. Đảng ta luôn trung thành với lợi ích của giai cấp với nhân dân và dân tộc. Theo đại biểu Tô Văn Tám về lợi ích thì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc thì Đảng không còn một lợi ích nào khác”. Đại biểu Tám đề nghị khoản 1 Điều 4 nên quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Theo đại biểu Tô Văn Tám, quy định như vậy vừa thể hiện được bản chất của Đảng, hệ tư tưởng của Đảng, khẳng định được vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa không trùng lặp với các từ như giai cấp, nhân dân, dân tộc ở câu trước và điều luật cũng sẽ được gọn hơn.
Khoản 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đảng là người lãnh đạo và là người đầy tớ của nhân dân”. Trong Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tin vào dân chúng, đưa mọi vấn đề dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không phù hợp thì để cho họ đề nghị sửa chữa, dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Trên thực tế, trong tiến trình lãnh đạo, Đảng luôn lắng nghe và tôn trọng nhân dân. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị bổ sung vào khoản 2, Điều 4 trách nhiệm, bổn phận của Đảng là lắng nghe ý kiến của nhân dân. Như vậy, khoản 2 nên là: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình”…
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) (Ảnh: Mạnh Hùng) |
Cũng trong phiên thảo luận ngày 4/6, nhiều đại biểu cho ý kiến việc chọn lựa có hay không đặt kinh tế Nhà nước là thành phần kinh tế giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần phù hợp với đặc điểm đất nước. Nhiều ý kiến chọn lựa phương án ghi trong Dự thảo: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) tán thành với sự lựa chọn này, đại biểu Phạm Hồng Phong cho rằng, hiện nay, nền kinh tế nước ta gồm 5 thành phần kinh tế; nhưng trong đó, chỉ có duy nhất kinh tế Nhà nước mới có thể giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế. Bởi, khối doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ những lĩnh vực then chốt, quan trọng nhất của đất nước, đảm bảo điều tiết cho nền kinh tế trong thời bình cũng như thời chiến.
Cũng lựa chọn phương án trên, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, quy định như vậy thể hiện rõ bản chất nền kinh tế Nhà nước ta là kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại biểu mong muốn, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần công khai quy định bản chất của nền kinh tế, lấy kinh tế Nhà nước làm chủ đạo.
Cũng đề nghị theo hướng này, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, việc hiến định rõ vai trò các thành phần kinh tế là cần thiết. Theo đại biểu, quy định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đúng đắn bởi chính thành phần kinh tế này là công cụ để Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết nền kinh tế trong mọi hoàn cảnh; đồng thời quy định như vậy cũng sẽ mở đường, lôi cuốn các thành phần kinh tế khác phát triển theo quỹ đạo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Có quan điểm khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) chọn phương án 3 như trong Dự thảo: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”. Đại biểu cho rằng: Nền kinh tế có cạnh tranh lành mạnh, có sự phân bố hợp lý thì sẽ mang lại hiệu quả cao cho Nhà nước và xã hội; đồng thời có điều kiện thực hiện chính sách xã hội chủ nghĩa như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Cùng ý kiến này, đại biểu Đặng Thành Tâm (TP.Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung quy định: Kinh tế trong nước giữ vai trò chủ đạo. Đại biểu dẫn chứng, rất nhiều nước có nền kinh tế phát triển mạnh trên thế giới đều thành công trên nền tảng kinh tế trong nước là nòng cốt. Việc quy định như vậy cũng mở ra cơ hội để hình thành những tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam vươn lên tầm quốc tế.
Nội dung chính quyền địa phươngcũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo hiến định việc đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, cần xác định lại đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở từng đơn vị hành chính. Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm tổng kết, đánh giá những đề án thí điểm liên quan đến chính quyền địa phương trước khi thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, thực tế cho thấy, việc quy định một mô hình đồng nhất ở ba cấp trên các địa bàn giống nhau là không hợp lý, bất cập nên cần thiết phải thay đổi. Yêu cầu quản lý Nhà nước ở mỗi địa bàn là khác nhau, đại biểu đề nghị Dự thảo cần quy định theo hướng xây dựng mô hình chính quyền địa phương một cách linh hoạt phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa của mỗi vùng, miền.
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) băn khoăn: Vấn đề tổ chức bộ máy chính quyền các cấp là vấn đề lớn nhưng lại không được hiến định. Nếu giữ như mô hình hiện nay, thì không đáp ứng được yêu cầu đổi mới của bộ máy chính quyền cơ sở theo xu thế chung tình hình phát triển của đất nước. Dẫn chứng, một số địa phương đã tổ chức thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường, các đại biểu Bùi Văn Xuyền, Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, trong quá trình thí điểm không xảy ra những vấn đề bất thường, kinh tế – xã hội của địa phương vẫn phát triển tốt, an ninh, chính trị vẫn ổn định, quyền làm chủ của nhân dân vẫn được đảm bảo.
Hoan nghênh việc Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tiếp thu tốt ý kiến đóng góp của nhân dân về chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng tán thành quan điểm xây dựng mô hình chính quyền địa phương theo đặc thù. Đại biểu phân tích: Ở các đô thị lớn, không nhất thiết phải có nhiều cấp chính quyền, vì có tính liên thông cao. Việc giảm các cấp chính quyền sẽ giảm được biên chế, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cán bộ công chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước ở địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, trước khi Quốc hội thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi, cần tổng kết thí điểm mô hình bỏ HĐND ở cấp quận, huyện, phường để định hình rõ bộ máy này. Đại biểu đề nghị, cần hiến định chính quyền địa phương với các yếu tố cấu thành như: Có cơ chế thành lập cụ thể, chức năng, bộ máy, cần thực quyền, chuyên nghiệp, không chồng chéo, trùng lắp, không cào bằng ở mọi cấp hành chính.
Tổng kết hai ngày thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đã có 86 đại biểu phát biểu tại hội trường. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc đã tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân một cách khẩn trương, đồng bộ, dân chủ, rộng khắp và đúng tiến độ. Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thu hút và nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về Hiến pháp, pháp luật của nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài đã quan tâm, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; khẳng định, ý kiến góp ý của cử tri đã được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp thu, tổng hợp một cách khoa học để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 lần này. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng hoan nghênh và tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian tới với mong muốn có bản Dự thảo đầy đủ nhất, hoàn thiện nhất, phản ánh ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Hôm nay, thứ tư, ngày 5/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội . Buổi chiều, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm , Luật Đấu thầu (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp .
Theo CPV
Ý kiến ()