Quốc hội thảo luận về ‘cục máu đông’ nợ xấu
Chiều 26/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng với nhiều bức xúc và đưa ra giải pháp cho “cục máu đông” của nền kinh tế là nợ xấu.
Đề nghị xử lý hình sự việc nâng khống tài sản thế chấp
Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang cho rằng sở dĩ nợ xấu không thể thu hồi được là do việc nâng khống tài sản. Nhiều trường hợp đã câu kết với nhau nâng khống giá trị tài sản lên gấp nhiều lần để thế chấp vay tiền, dẫn đến việc xử lý tài sản thế chấp cũng không thể thu hồi đủ nợ gốc. “Vấn đề này liên quan đến trách nhiệm của ngân hàng và tổ chức định giá tài sản. Nếu bây giờ dễ dàng cho phép bán tài sản dưới giá trị sổ sách thì vô tình giúp những người có liên quan này thoát trách nhiệm”, đại biểu Quang phân tích.
Đại biểu Quang nêu: “Ví dụ khoảng năm 2011-2013, ở Đà Nẵng có tình trạng lô đất được Nhà nước bán ra trị giá khoảng 200 tỷ đồng, thì lập tức lô đất đó được nâng lên 500-600 tỷ đồng thông qua việc vay ngân hàng. Có rất nhiều mảnh đất như vậy, qua thanh tra, kiểm tra thì phát hiện ra giá trị thực tế giữa Nhà nước bán ra chênh nhau đến 300 tỷ. Đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ”.
Từ đó, đại biểu Quang đề nghị: “Việc nâng khống tài sản thế chấp để đạt được giá trị cho vay lớn thì phải xử lý hình sự. Phải có sự cấu kết với nhau thì mới nâng khống giá trị tài sản như vậy. Bây giờ phải bán đúng giá trị thật của tài sản thì tôi thống nhất như vậy, nhưng làm sao trước khi bán tài sản đó, các cơ quan pháp luật phải xử lý được những người, những tổ chức gây ra thiệt hại lớn cho Nhà nước”.
Nhận dạng rõ nợ xấu và xử lý tài sản
Đồng ý với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tán thành cần phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu do không chấp hành các quy định của pháp luật. Đồng thời với việc xử lý nợ xấu, tất cả các sai phạm cần được xử lý minh bạch.
“Phải nói rằng, không có hoạt động tín dụng nào mà không có nợ xấu, nhưng câu chuyện nợ xấu của chúng ta xảy ra với mức độ không bình thường. Do đó mục tiêu mà Quốc hội đưa ra là từ nay đến năm 2020 phải đưa nợ xấu xuống dưới 3% đối với các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì tỉ lệ nợ xấu và các khoản có nguy cơ trở thành nợ xấu là khoảng 10,8%, cao hơn mức bình thường”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhìn nhận.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó có nguyên nhân từ quản lý chưa tốt, cho vay chưa tốt, rồi từ khủng hoảng tài chính trong giai đoạn từ 2008, cho nên nợ xấu của Việt Nam tăng đột biến, gây ra hậu quả như các đại biểu ví là “cục máu đông”, “điểm nghẽn”, “thắt cổ chai” của nền kinh tế.
“Bây giờ cần phải có cơ chế đặc thù để tháo gỡ. Chính vì vậy bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về các tổ chức tín dụng, Quốc hội phải ban hành thêm dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.
Đề cập đến tài sản có tranh chấp khi giải quyết nợ xấu, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt vấn đề: Đối với tài sản có tranh chấp thì sao? Cách thức xác lập quyền sở hữu mới khi chuyển giao các tài sản này như thế nào? Những vấn đề này cần được quy định rõ thì mới xử lý các món nợ xấu một cách nhanh gọn được.
Theo đại biểu Sơn, dự thảo Nghị quyết quy định là chính quyền và công an địa phương có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự trong quá trình ngân hàng thu giữ tài sản. Vấn đề là trong quá trình thu giữ và chuyển giao thì có bảo đảm được không? Phải quy định rất rõ trình tự, thủ tục để bảo đảm tính pháp lý chứ quy định chung chung thì rất khó thực hiện.
Cho rằng phải có quy định pháp lý đặc thù khi giải quyết vấn đề nợ xấu, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) nêu rõ, đây là vấn đề rất hệ trọng, cần có quy định pháp lý đặc thù để xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm.
Thực hiện quyền thu giữ của ngân hàng đối với các tài sản thế chấp là mấu chốt rất quan trọng. Cơ chế thu giữ thế nào? Trong thực tế thì ngay cả với thi hành án cũng rất khó khăn, bởi thường gặp sự phản ứng, chống đối rất quyết liệt của người nắm giữ tài sản. Mà trong thi hành án thì còn có công an hỗ trợ. Vậy ngân hàng đi thu giữ tài sản thì có quyền thuê các tổ chức đòi nợ hay không?
Về mục tiêu của dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng mục đích đặt ra đã rõ ràng. Quan trọng nhất là nhận dạng nợ xấu như thế nào, vì đây là nợ xấu đặc biệt. Quốc hội phải cụ thể hóa quy định này, bởi đây là nhận dạng quan trọng nhất. Thứ hai, hồn cốt của Nghị quyết là nhằm vào xử lý đối với tài sản. Khi vay thì đây là tài sản bảo đảm, nhưng khi cần xử lý lại rất phức tạp. Ví dụ, vừa qua có khoảng 14.000-15.000 vụ việc mà các cá nhân, tổ chức đem tài sản thế chấp tại ngân hàng với tổng số nợ trên 55.000 tỷ đồng, nhưng ngân hàng lại không thể thu được. Khi chuyển qua thi hành án thì gặp khó khăn về thủ tục, thời gian.
Không sử dụng ngân sách để giải quyết nợ xấu
Đại biểu Nguyễn Khắc Định (tỉnh Khánh Hoà) tán thành việc ban hành một Nghị quyết để xử lý nợ xấu là cần thiết tháo gỡ khó khan, vướng mắc về xử lý nợ xấu, sớm ngày nào tốt ngày ấy. Có như vậy mới khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng hiện nay.
Nhất trí với việc ban hành quy định về xử lý nợ xấu, đại biểu Ngô Minh Châu (TPHCM) cho rằng, một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết cần được cân nhắc, điều chỉnh để bảo đảm tính hợp hiến, khả thi và phù hợp với chủ trương, chính sách nêu tại Nghị quyết số 05/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền.
Về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, đại biểu đề nghị quy định theo hướng Nghị quyết này chỉ điều chỉnh đối với những khoản nợ xấu phát sinh đến ngày 31/12/2016 và quy định thời hạn áp dụng Nghị quyết này là 5 năm kể từ ngày 1/7/2017 để thực hiện. Đối với các khoản nợ xấu tiềm ẩn, phát sinh hằng ngày song hành cùng với hoạt động của tổ chức tín dụng thì áp dụng theo các quy định của pháp luật về ngân hàng, pháp luật về các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật khác có liên quan để bảo đảm tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn.
Đối với nguyên tắc xử lý nợ xấu, đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu trong dự thảo Nghị quyết. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), đại biểu Nguyễn Văn Thắng (TP. Hà Nội)… cũng tán thành với quan điểm này và cho rằng đây là nguyên tắc trụ cột để xử lý nợ xấu.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()