Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án sân bay Long Thành
Chiều 4/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, cũng có không ít ý kiến đề nghị làm rõ tính cần thiết, hiệu quả đầu tư và việc trả nợ vốn vay để thực hiện dự án ...
Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thảo luận |
Đa số ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ đều kiến tán thành chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (gọi tắt là sân bay Long Thành) hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng việc đưa ra để Quốc hội cho ý kiến về mặt chủ trương đầu tư, sau đó Chính phủ làm báo cáo khả thi rồi mới duyệt dự án là bước đi phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.
Tán thành với chủ trương đầu tư, đại biểu Vũ Huy Hoàng (Lạng Sơn) cho rằng báo cáo khả thi sẽ phải hoàn thiện để làm rõ nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn xây dựng sân bay Long Thành.
Đồng ý với chủ trương đầu tư sân bay Long Thành, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn băn khoăn với thời điểm thực hiện dự án, hiệu quả đầu tư, áp lực nợ công…
Theo đại biểu Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh), chủ trương đầu tư sân bay Long Thành là cần thiết trong tương lai, nhưng chưa cấp thiết trong thời điểm này, nhất là trong bối cảnh nợ công đang hết sức đáng ngại.
“Chưa tính đến khả năng mở rộng công suất của các sân bay trong khu vực Nam bộ và của cả nước, chỉ tính riêng sân bay Long Thành để đạt tới lượng khách như vậy thì phải đóng sân bay Tân Sơn Nhất. Đông đảo cử tri Thành phố Hồ Chí Minh không đồng ý nếu mở cửa sân bay Long Thành nhưng lại đóng cửa sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu không đóng cửa, thì quy mô đến năm 2030 của sân bay Long Thành là lãng phí” – đại biểu Võ Thị Dung nêu vấn đề .
Theo đại biểu Võ Thị Dung, nếu nói sân bay Tân Sơn Nhất quá tải cần phải xem lại, tại sao quá tải mà lại cho phép đầu tư dự án sân gol trong sân bay Tân Sân Nhất?.
Đồng tình với nhận định về lâu dài phải có sân bay ngang tầm khu vực và quốc tế như sân bay Long Thành, nhưng đại biểu Đỗ Văn Đương ( Thành phố Hồ Chí Minh) nêu băn khoăn khi dự án sân bay Long Thành đưa ra trong bối cảnh nợ công đang lớn, nhiều vấn đề an sinh xã hội cần lo. “Vấn đề đầu tư cho để bảo vệ chủ quyền biển đảo đang rất cấp bách, vì vậy nên cần nhiều nguồn lực để đầu tư cho đánh bắt xa bờ, hải đảo..” – đại biểu Đỗ Văn Đương phân tích.
Nói về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án này, đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, dự án sân bay Long Thành sẽ được Quốc hội xem xét qua 2 kỳ và chịu trách nhiệm trước dân. “Về lâu dài, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần thêm một sân bay nữa. Dự án là cần thiết về lâu dài, nhưng có cấp thiết hay không thì phải làm rõ ” – đại biểu Trần Du Lịch cho biết.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Qua thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với việc phê chuẩn hai Công ước trên nhằm thực hiện theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013, tiếp tục bảo đảm quyền con người. Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị xem chỉnh lý một số quy định để phù hợp với thông lệ quốc tế. |
Theo CPV
Ý kiến ()