Quốc hội thảo luận tại tổ về 2 dự án luật: Đồng tình giảm thuế cho doanh nghiệp
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIII, chiều 21/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIII, chiều 21/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đoàn đại biểu Quốc hộiTP Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ. (Ảnh: Kim Thanh) |
Giảm thuế là hợp lý
Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã chính thức được Chính phủ trình Quốc hội hôm qua (20/5). Chiều nay (21/5), Quốc hội đã thảo luận tổ về Dự thảo Luật này.
Điểm nhấn trong Dự thảo Luật là để thực hiện chiến lược cải cách thuế năm 2020 là giảm dần mức động viên, dự thảo Luật quy định từ 1/1/2014 áp dụng mức thuế suất phổ thông là 22%; doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất phổ thông 20% kể từ 1/7/2013. Từ ngày 1/1/2016 mức thuế suất phổ thông là 20% và mức thuế suất ưu đãi 20% được điều chỉnh giảm xuống còn 17%.
Quy định này được các đại biểu (ĐB) đồng tình, nhất trí cao. Theo ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), việc giảm dần mức thuế suất là hợp lý bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ không có tiền đóng thuế. ĐB nêu thực tế, tại TP Hồ Chí Minh khi thực hiện quyết toán thuế 2012 thì chỉ có 30% doanh nghiệp đóng thuế, còn 70% doanh nghiệp lỗ, không đóng thuế. Thậm chí “một số công ty kiểm toán chúng tôi mời góp ý tại Hội thảo về Luật này còn cho rằng mức thuế 25% chỉ là danh nghĩa còn thực tế phải lên tới 27% vì nhiều khoản doanh nghiệp thực chi nhưng không được khấu trừ thuế” – ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) cũng đồng tình với quy định của dự thảo quy định áp dụng thuế suất phổ thông 20% đối với doanh nghiệp có doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm nhưng đề nghị bỏ quy định về số lao động.
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật này, nhiều ĐBQH Đoàn TP Hồ Chí Minh quan tâm tới quy định khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mãi ở mức 15%.
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị không nên khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mãi ở mức 15%. “Thực ra không doanh nghiệp nào chi tiền này mà không có tính toán, cân nhắc kỹ, trong tình hình cạnh tranh quyết liệt thì doanh nghiệp mới chi cho quảng cáo. Nhìn kỹ hơn thì khi doanh nghiệp quảng cáo chi sẽ thúc đẩy ngành quảng cáo phát triển” – ĐB Nguyễn Ngọc Hòa nói.
Đại biểu cũng đề xuất miễn thuế đối với Quỹ tích lũy không chia của hợp tác xã để tạo điều kiện cho các HTX phát triển.
Tuy nhiên ĐB Trần Du Lịch và ĐB Phạm văn Gòn (TP Hồ Chí Minh) cho rằng nên khống chế mức chi phí quảng cáo, khuyến mãi. Nhưng đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định về lộ trình tiến tới bỏ mức khống chế nêu trên để phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện giảm thuế thuê, mua nhà ở xã hội
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật thuế giá trị gia tăng, Luật này được sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.
Điểm nhấn chú ý của Dự thảo là đã tập trung sửa đổi, bổ sung một số nhóm vấn đề, trong đó đã sửa đổi, bổ sung Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gồm bảo hiểm về con người, bảo hiểm nông nghiệp; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thủy sản; dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng, bán nợ, kinh doanh ngoại tệ; tài sản bảo đảm của khoản nợ bán ra của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ cho Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Mặt khác theo đề xuất của Chính phủ với Quốc hội, các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định sẽ được giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày 1/7/2013 đến hết 30/6/2014. Theo tờ trình của Chính phủ, đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng hợp đồng thuê, mua nhà ở xã hội nhằm hỗ trợ và tạo cơ hội cho các đối tượng có thu nhập thấp có nhu cầu về nhà mua được nhà ở; góp phần giải quyết lượng hàng tồn kho lớn trong lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, thời gian thực hiện ngắn như theo dự thảo Luật (chỉ trong 01 năm) thì tác động của chính sách là hạn chế và thiếu đồng bộ với các chính sách khác. Đại biểu đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến hết 31/12/2014 thay vì đến hết ngày 30/6/2014 như dự thảo.
ĐB Nguyệt Hường (TP Hà Nội) cũng cho rằng nếu thời gian thực hiện chỉ trong 1 năm, đối tượng được hưởng trên thực tế sẽ hạn chế, do đó kéo dài thời gian ra để họ mua được những nhà dạng này và đến được đối tượng thụ hưởng.
Về việc Dự thảo luật sửa đổi theo hướng nâng mức tiền thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế đối với đầu tư và xuất khẩu từ 200 triệu đồng lên 500 triệu đồng, nhiều đại biểu QH đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc nâng mức tiền thuế tối thiểu với mức nâng khá lớn (gấp 2,5 lần) sẽ gia tăng khó khăn về vốn cho doanh nghiệp do chậm được hoàn thuế. Do đó, đề nghị giữ như hiện hành hoặc quy định mức tiền thuế tối thiểu được hoàn thấp hơn so với mức Chính phủ trình.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()