Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025
- Sáng 4/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Trong chương trình, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về 4 nội dung: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Thảo luận tại hội trường có 38 lượt ý kiến phát biểu. Các ý kiến thảo luận đã tập trung vào các nội dung: thách thức cần phải vượt qua bất cập, khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế xã hội năm 2024, dự kiến cho năm 2025; cho ý kiến đối với tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả đã đạt được, các vấn đề cần lưu ý, quan tâm và có giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật trong thời gian tới…
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nêu ý kiến đề nghị có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thẩm quyền thẩm định dự án tu bổ di tích. Cụ thể, theo đại biểu, hiện nay đang có 3 nội dung khác nhau về quy định tại Nghị định 166/2018/NĐ-CP và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về: thẩm quyền thẩm định, cơ quan đóng dấu thẩm định, đơn vị trình phê duyệt dự án, từ đó dẫn tới có những cách hiểu và thực hiện khác nhau, kéo theo tranh luận trái chiều nhau không dứt, giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh ở các địa phương...
Theo điểm a, b khoản 1 Điều 18 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP có quy định, thẩm quyền thẩm định các dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích là của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc giám đốc sở văn hoá, thể thao và du lịch tuỳ theo di tích các cấp và không quy định về đóng dấu thẩm định; đơn vị trình phê duyệt dự án là chủ đầu tư.
Còn theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP năm 2021 lại có quy định: “Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh thẩm định đối với công trình thuộc dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh”; cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc người quyết định đầu tư có trách nhiệm đóng dấu thẩm định; còn đơn vị trình phê duyệt dự án là cơ quan chủ trì thẩm định.
Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, thẩm quyền phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích thì giống nhau, đều là người quyết định đầu tư. Do vậy, đại biểu kiến nghị với Chính phủ cân nhắc, sửa đổi, thống nhất nội dung quy định thực hiện như đề cập nêu trên, đảm bảo sự thống nhất, rõ ràng trong triển khai thực hiện, tránh sự đùn đẩy, tranh luận trái chiều nhau không dứt trong quá trình thực hiện.
Ý kiến ()