Quốc hội thảo luận Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, chiều 25/3, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Việc ban hành Luật với nhiều nội dung cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo cơ sở pháp lý cao khi luật hoá những cam kết trong các hiệp định, đồng thời bảo đảm thực hiện được ngay các cam kết trong TPP sau khi hiệp định này được ký kết.
Về đối tượng chịu thuế, các đại biểu đề nghị cân nhắc không áp thuế đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu tại chỗ, bởi vì xét về bản chất thì hàng hoá này được sản xuất và tiêu dùng ngay tại Việt Nam, được quản lý, giám sát chặt chẽ theo các quy trình thủ tục hải quan tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hải quan. Nếu áp thuế nhập khẩu thì vô hình chung sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp của chúng ta trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng xuất khẩu với thương nhân nước ngoài, đồng thời sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam ngay tại sân nhà.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc), việc áp dụng thuế phòng vệ cho các mặt hàng sản xuất trong nước để bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ người tiêu dùng là biện pháp được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, trên thực tế ở nước ta hiện nay, nếu áp dụng thuế phòng vệ cho các mặt hàng mà không có sự cân nhắc kĩ càng sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, không khuyến khích được sản xuất trong nước và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, khi đưa ra thuế phòng vệ phải quan tâm đến thị trường nhiều hơn và phải tận dụng tối đa lợi thế của hội nhập trong kinh tế vĩ mô. Đại biểu lấy dẫn chứng, gần đây nhất là thuế phòng vệ áp dụng đối với phôi thép là 23% và 14,2% đối với thép dài nhập khẩu, chỉ 1 tuần trước khi quy định này có hiệu lực, thị trường thép trong nước đã có hiện tượng găm hàng chờ tăng giá. Điều này kéo theo người tiêu dùng thiệt hại và giá thành xây dựng tăng lên, giá trị vật liệu tăng lên, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Do đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, khi giá thế giới đang giảm thì không nên xây dựng hàng rào phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước. Có dư luận còn đặt câu hỏi là khi áp dụng thuế này thì có vấn đề gì không, người dân đang mua giá rẻ thì tự nhiên thành đắt, thị trường đang ổn định thành biến động. Bài toán này có lẽ cần xin ý kiến chính phủ quyết định thì có tính vĩ mô hơn”.
Các đại biểu cũng nhất trí cơ bản đối với quy định về các trường hợp được miễn thuế tại Điều 16 của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị Quốc hội xem xét thực tế hiện nay để bổ sung quy định tạo thuận lợi và khuyến khích sản xuất trong nước đối với 2 trường hợp là hàng hóa nhập khẩu làm hàng mẫu thí điểm sản xuất của doanh nghiệp và miễn thuế đối với động cơ thủy và máy móc, thiết bị đặc chủng dùng để đóng các con tàu, vì hiện nay việc đóng tàu biển xuất khẩu, đóng tàu dành cho đánh bắt xa bờ chúng ta đều phải nhập khẩu./.
Theo CPV
Ý kiến ()