Quốc hội thảo luận Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, ngày 24/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe báo cáo và thảo luận dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết tại kỳ họp thứ 2 (khóa XIV), Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật này.
Ngay sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp phối hợp cùng cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp), TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH); tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo; lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học.
Dự thảo Luật đã được thảo luận tại hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, gửi xin ý kiến các đoàn ĐBQH, các bộ, ngành hữu quan và UBTVQH đã cho ý kiến tại phiên họp thứ 7 (tháng 2/2017), phiên họp thứ 9 (tháng 4/2017) và phiên họp thứ 10 (tháng 5/2017).
Quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được thực hiện trên các quan điểm đã được Quốc hội thống nhất là việc sửa đổi, bổ sung không làm thay đổi những chính sách hình sự lớn đã được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến và Quốc hội khóa XIII quyết định; không dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung các đạo luật đang lùi hiệu lực thi hành cùng với Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015).
Đồng thời, rà soát, sửa đổi những sai sót về kỹ thuật, những quy định chưa thật sự hợp lý về nội dung mà các cơ quan tư pháp cơ bản thống nhất cần sửa để thuận lợi cho việc thi hành; một số trường hợp chỉ sửa một lỗi (ví dụ sai sót về cách tính tỉ lệ thương tích…) nhưng lại liên quan đến nhiều điều luật thì vẫn phải rà soát để sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất của toàn bộ Bộ luật.
Bổ sung một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn sau khi BLHS năm 2015 được thông qua để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Đối với một số điều của BLHS năm 2015 mặc dù đã được định lượng chi tiết nhưng việc định lượng đó lại chưa thật sự hợp lý thì phải sửa lại hoặc đề nghị cho giữ như cách quy định của BLHS năm 1999.
Đến nay, các nội dung của dự thảo Luật đã đạt được sự thống nhất giữa Ủy ban Tư pháp, Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và các bộ, ngành hữu quan.
Thảo luận tại hội trường, cơ bản đồng ý với nội dung dự thảo luật cũng như báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của UBTVQH, các ĐBQH đã tập trung vào những nội dung lớn của dự án Luật liên quan đến phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 134), “Tội hiếp dâm” (Điều 141) và “Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” (Điều 169); về bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a của dự thảo Luật); tội gây ô nhiễm môi trường; tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và việc mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại;…
Đề cập đến nội dung phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) và ý kiến một số đại biểu đề nghị giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình.
Theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội là: “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 134); “Tội hiếp dâm” (Điều 141) và “Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” (Điều 169). Đại biểu Xuyền cho rằng nếu quy định xử lý hình sự quá rộng là sớm đưa các em vào vòng tố tụng và đây không phải là phương án tốt nhất để giáo dục các em trở thành người có ích cho xã hội.
Cùng quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng “thực tế thống kê thời gian qua, số các em từ 14-16 vi phạm 3 tội này rất ít, vì vậy hết sức cân nhắc, không nên mở rộng hình sự hóa đối với các đối tượng này và cần sử dụng các hình thức khác mang tính giáo dục nhiều hơn”.
Việc xử lý như vậy là rất nặng đối với trẻ em và không có sự phân biệt giữa người lớn phạm tội và trẻ em phạm tội trong khi đây là lứa tuổi các em có rất nhiều biến đổi về tâm sinh lý, nhận thức chưa đầy đủ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị đối với 3 tội nói trên thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.
Về bổ sung “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” (Điều 217a của dự thảo Luật), trong báo cáo của UBTVQH, đa số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung 1 điều luật mới về loại tội này để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua.
Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần hết sức cân nhắc khi bổ sung quy định này vì đây là loại hình tội phạm mới và chưa có những đánh giá đầy đủ, toàn diện về loại hình tội phạm này.
Về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” (Điều 317 của BLHS năm 2015), nhiều ý kiến cân nhắc cần bổ sung định lượng vào Điều 317 nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng, tuy nhiên cần có sự phân hóa giữa việc sử dụng chất cấm và sử dụng chất chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.
Các đại biểu nhấn mạnh, việc định lượng để làm căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm là cần thiết, khả thi, tránh việc mở rộng phạm vi về đối tượng xử lý hình sự, trong đó có nhiều hộ nông dân, cá nhân sản xuất nông nghiệp, chế biến và kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ. BLHS chỉ nên xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm mà thực phẩm có giá trị lớn, thu lợi bất chính lớn, hậu quả gây ngộ độc cho nhiều người, gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác…
Các trường hợp khác chưa đến mức xử lý hình sự thì cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là xử lý hành chính nghiêm cũng đủ răn đe, phòng ngừa và hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()