Quốc hội thẩm tra đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập
Ngày 9/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội nghị thẩm tra sơ bộ Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị thẩm tra Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hò đập. Ảnh: B.Hùng |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, ngày 11/11/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 124/2020/QH14 giao Chính phủ xây dựng Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm 2021.
Đề án này có nội dung rộng, sâu, nhiều vấn đề chi tiết cụ thể kỹ thuật, cần làm rõ sự cần thiết xây dựng Đề án nhất là các thách thức của an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước, ứng xử chủ động, xác định vấn đề kinh tế tài chính nước, quản trị nước, hợp tác quốc tế; đồng thời, cần có tầm nhìn dài hơi cho giai đoạn tới, đề ra được các mục tiêu nhiệm vụ giải pháp phù hợp.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Đề án, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong thời gian vừa qua, Nhà nước đã đầu tư và có nhiều giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước nhưng chúng ta đang đứng trước nhiều vấn đề đặt ra với an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt của quốc gia, sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ chiếm tới 63%, đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia có chung nguồn nước.
Trong nước, lượng mưa trung bình lớn nhưng phân bố không đều. Một số vùng, một số khu vực có nguy cơ bị sa mạc hóa như Bình Thuận, Ninh Thuận. Cùng với đó, biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước và phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia. Nguồn nước ở nhiều khu vực bị ô nhiễm trầm trọng. Trong khi tổng nhu cầu nước tăng cao theo từng năm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm, công trình khai thác nguồn nước được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, khó thay đổi công năng đáp ứng cho sản xuất quy mô lớn. Tỷ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao (khoảng 25%). Hiện cả nước có 7.808 đập, hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3 nhưng công tác bảo trì chưa được quan tâm thường xuyên nên công trình bị hư hỏng, xuống cấp, suy giảm công năng phục vụ và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước thực trạng trên, để đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa nước ta thành nước phát triển vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra, có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng với những phân tích trên thì rõ ràng đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là chìa khóa then chốt.
Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước nhằm đưa ra định hướng chiến lược, giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài là hết sức cần thiết và cấp bách.
Tại phiên họp, các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng Đề án. Đồng thời, nhấn mạnh an ninh nguồn nước là vấn đề mang tính toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nước, chỉ số an ninh nước quốc gia của Việt Nam ở mức thấp trong khu vực, nguy cơ mất an toàn đập, hồ chứa nước cao. Do đó đây không chỉ là vấn đề cấp bách mà còn mang tính dài hạn, tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc gia.
Một số ý kiến cho rằng cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng về vấn đề này hoặc tích hợp vào Nghị quyết chung của kỳ họp. Các đại biểu cũng lưu ý đến thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ và chỉ rõ việc ban hành Đề án là thẩm quyền của Chính phủ còn Quốc hội nghe báo cáo việc xây dựng Đề án của Chính phủ theo quy định của Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc các kiến nghị đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Các đại biểu cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của Đề án để bảo đảm tính khả thi, gắn với nguồn lực thực hiện. Có ý kiến cho rằng cần bổ sung đánh giá tác động thực hiện của đề án một cách đầy đủ, cụ thể hơn, tương xứng với chủ trương đầu tư, bảo đảm hiệu quả đầu tư thực hiện các mục tiêu; có dự kiến kết quả đầu ra thực hiện Đề án cũng nghiên cứu dự liệu tính khả thi, đánh giá rủi ro trong quá trình thực hiện.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan của Chính phủ trong việc chủ trì xây dựng Đề án với nội dung chuyên môn sâu nhằm thực hiện đúng Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần làm khẩn trương song cũng bảo đảm thận trọng, đúng quy trình thủ tục, chất lượng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét các nội dung theo đúng thẩm quyền. Cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan để hoàn thiện hồ sơ, báo cáo; cần lưu ý đến kinh nghiệm quốc tế, vai trò của các Quốc hội trong giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước hiện nay.
Ý kiến ()