Quốc hội nghe báo cáo về 2 dự án luật trong ngày làm việc đầu tiên
Kỳ họp thứ 7 là kỳ họp giữa năm của Quốc hội. Theo thông lệ của kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật và ngay trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo về 2 dự án luật là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và dự án Luật Sở hữu trí tuệ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.
Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật trong nước để thực thi cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và bảo đảm mục tiêu tham gia hiệu quả Hiệp định CPTPP và thi hành các cam kết phải thực thi ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam; bảo đảm thống nhất và đồng bộ với nội dung cam kết theo Hiệp định CPTPP đã được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018.
Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 gồm 4 chương, 10 điều tập trung vào các nội dung cụ thể: Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm tập trung việc bổ sung các quy định về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung quản lý Nhà nước đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm.
Nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động phụ trợ bảo hiểm có thời gian chuẩn bị để đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, khoản 3 Điều 3 của dự thảo Luật quy định việc chuyển tiếp như sau: “Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực, các tổ chức, cá nhân đang hoạt động phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các quy định về điều kiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm theo quy định tại Luật này.”
Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ tập trung quy định về sáng chế; chỉ dẫn địa lý; nhãn hiệu; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó dự thảo Luật đã bổ sung điều khoản chuyển tiếp về: Đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thiết kế bố trí, chỉ dẫn địa lý; thủ tục hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích, giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý của các đơn; thủ tục chấm dứt hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn; các thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Ý kiến ()