Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)
Họp phiên toàn thể tại Hội trường sáng 7/11, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp, ý kiến của các Đoàn ĐBQH và ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự án luật hiện được xây dựng với bố cục gồm 6 chương, 40 điều quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá.
Đối tượng áp dụng gồm: Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân. Cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến hoạt động đặc xá.
Dự luật cũng nêu nguyên tắc thực hiện đặc xá gồm: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch. Bảo đảm yêu cầu về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Về sự cần thiết, tên gọi và phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự thảo Luật với những lập luận như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi để Luật này quy định cả đại xá.
UBTVQH nhận thấy, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì Quốc hội có quyền quyết định đại xá (Khoản 11 Điều 70), Chủ tịch nước có quyền quyết định đặc xá (Khoản 3 Điều 88). Chế định “đặc xá” và “đại xá” khác nhau cả về thẩm quyền quyết định, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, điều kiện áp dụng và trình tự, thủ tục tiến hành nên cần phải được quy định ở hai văn bản riêng. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật này đối với “đại xá” là không phù hợp. UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo là Luật Đặc xá (sửa đổi).
Về thời điểm đặc xá (Điều 5 dự thảo Luật), nhiều ý kiến nhất trí quy định 03 thời điểm đặc xá như dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (03 năm hoặc 05 năm/đợt); đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 02/9, ngày Tết Nguyên Đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4. Có ý kiến đề nghị làm rõ sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào; căn cứ, mức độ nào để xác định sự kiện trọng đại của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh, UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định 03 thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Thực tiễn thi hành Luật Đặc xá cho thấy Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá ở cả 03 thời điểm nêu trên và không phát sinh vướng mắc về thời điểm đặc xá.
Về ý kiến của ĐBQH đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật “sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào”, UBTVQH nhận thấy, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rất đa dạng, do đó, nếu quy định cụ thể trong dự thảo Luật có thể sẽ không bao quát hết.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ 3 thời điểm đặc xá như Luật hiện hành; không quy định thời điểm, tần suất đặc xá và không liệt kê cụ thể các sự kiện trọng đại của đất nước, mà giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Về đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước (Điều 11 dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng xét đặc xá cả với người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, chỉ quy định 02 loại đối tượng được đề nghị đặc xá gồm: (1) người bị kết án phạt tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù và (2) người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù. Quy định này chưa thật sự công bằng đối với người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù vì: theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) thì người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là người đang chấp hành án nhưng vì các lý do như: sức khỏe, mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi… nên được tạm đình chỉ chấp hành; do vậy, nếu họ có đủ điều kiện về thời gian đã chấp hành hình phạt và các điều kiện khác để xét đặc xá mà lại không thuộc đối tượng được đề nghị đặc xá là chưa phù hợp.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng, ngoài 2 loại đối tượng được đề nghị đặc xá như quy định của dự thảo Luật thì bổ sung thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (người này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như người đang chấp hành hình phạt tù, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù).
Một số ý kiến đề nghị không đặc xá với những đối tượng phạm vào các tội mà BLHS quy định không được tha tù trước thời hạn có điều kiện. UBTVQH nhận thấy, nhằm tạo động lực và khuyến khích người chấp hành án phạt tù phấn đấu cải tạo tốt, Luật Đặc xá hiện hành quy định người bị kết án về bất kỳ tội phạm nào nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định thì đều được đề nghị xét đặc xá, mà không quy định loại trừ các tội danh cụ thể.
Để bảo đảm đồng bộ với các luật về tư pháp mới được Quốc hội ban hành, đồng thời tạo động lực cho người chấp hành án phấn đấu cải tạo, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: đối với một số tội mà BLHS quy định không được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì vẫn cho phép đặc xá nhưng điều kiện về thời gian đã chấp hành án để xét đặc xá phải dài hơn so với các tội phạm khác (cụ thể, phải chấp hành ít nhất 1/2 thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, ít nhất là 17 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn). Đồng thời, đối với những trường hợp này, Chủ tịch nước có quyền quyết định không đặc xá trong từng đợt đặc xá cụ thể, phù hợp yêu cầu thực tiễn đất nước đặt ra trong từng thời kỳ. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ như dự thảo Luật đã được chỉnh lý.
Một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng xét đặc xá cả với người được hoãn chấp hành hình phạt phạt tù, người đang thi hành án treo, UBTVQH nhận thấy, theo quy định của BLHS thì người được hoãn chấp hành hình phạt tù là người chưa thi hành án; người đang chấp hành án treo thực chất là được miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Như vậy, những đối tượng này đều đang ở ngoài xã hội, chưa phải vào trại giam để chấp hành án phạt tù. Nếu quy định người được hoãn chấp hành hình phạt tù thuộc đối tượng được đề nghị đặc xá sẽ không đáp ứng các điều kiện về thời gian đã chấp hành án, về ý thức cải tạo… và không bảo đảm công bằng với các đối tượng khác được xét đặc xá nhân sự kiện trọng đại, nhân ngày lễ lớn của đất nước.
Bên cạnh đó, với người đang chấp hành án treo thì BLHS đã có quy định giao Tòa án quyết định rút ngắn thời gian thử thách ngoài xã hội đối với họ nếu đã chấp hành được 1/2 thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ. Vì vậy, UBTVQH đề nghị không mở rộng đối tượng đặc xá với người được hoãn chấp hành hình phạt tù và người đang thi hành án treo nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.
Về điều kiện được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước (Điều 11 dự thảo Luật), nhiều ý kiến đề nghị điều kiện đặc xá là người chấp hành án phạt tù có quá trình cải tạo được xếp loại khá hoặc tốt. Một số ý kiến đề nghị người chấp hành án phạt tù phải có quá trình cải tạo được xếp loại tốt.
UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định điều kiện… Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật của Chính phủ trình, đồng thời chỉnh lý điểm a khoản 1 Điều 11 để bảo đảm rõ hơn như sau: “Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, ngoài các vấn đề đã được giải trình, tiếp thu chỉnh lý, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu nhiều ý kiến của ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật như: bổ sung quy định về gửi đơn đề nghị đặc xá; phân biệt rõ thẩm quyền của Tổ thẩm định liên ngành, thẩm quyền của Hội đồng tư vấn đặc xá; làm rõ vai trò, nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá; bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của Văn phòng Chủ tịch nước; giảm bớt thủ tục trình, duyệt danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá nhưng vẫn bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ… Đồng thời, UBTVQH cũng chỉ đạo chỉnh lý về bố cục, kỹ thuật văn bản để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua gồm có 06 chương, 40 điều.
Ý kiến ()