1
89
5031430
171
Quốc hội liêm chính, kiến tạo, dân chủ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 3: Sứ mệnh của Quốc hội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (tiếp theo và hết) - Báo Lạng Sơn
https://baolangson.vn/quoc-hoi-liem-chinh-kien-tao-dan-chu-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-bai-3-su-menh-cua-quoc-ho-5031430.html
longform
Quốc hội liêm chính, kiến tạo, dân chủ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 3: Sứ mệnh của Quốc hội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (tiếp theo và hết)

Cover

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục, để đưa đất nước tiến nhanh, tiến cùng thời đại trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động, nhấn mạnh 3 vấn đề: Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp; thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, coi đây là một trong những yếu tố "then chốt của then chốt" để đổi mới hoạt động của Quốc hội.

Chia sẻ về điều này, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, 3 lĩnh vực chủ yếu cần tiếp tục đổi mới sâu rộng, đồng bộ hơn nữa, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh, Quốc hội cần xây dựng một hệ thống pháp luật mang tính ổn định và lâu dài, đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ, đồng thời tập trung vào các nguyên tắc khung, thay vì đi vào chi tiết rườm rà. Hệ thống pháp luật phải hỗ trợ sự sáng tạo, giải phóng nguồn lực và khơi thông sức sản xuất, để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành và địa phương phát triển.

Ảnh tràn viền

Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 43 làm việc với UBND thành phố Hà Nội.

Để thực hiện hiệu quả giám sát tối cao, Quốc hội cần tập trung vào các vấn đề trọng yếu, đảm bảo minh bạch và công bằng, siết chặt kỷ luật và kỷ cương trong các hoạt động giám sát. Việc giám sát cần không ngừng cải tiến, chú trọng kiểm soát quyền lực và ngăn ngừa lợi ích nhóm, để bảo đảm quyền lực không bị lạm dụng. Trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, cần đảm bảo rằng, các quyết định về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách quốc gia, hay các dự án đầu tư trọng điểm, như sắp tới là đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đều được cân nhắc kỹ lưỡng, có cơ sở khoa học và tính đến yếu tố bền vững.

“Để làm được điều này, Quốc hội cần tăng cường tham vấn ý kiến từ các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu uy tín và đại diện của các tầng lớp Nhân dân. Các quyết sách quan trọng phải dựa trên dữ liệu thực tiễn và phân tích sâu sắc, từ đó giúp Quốc hội đưa ra các quyết định mang tính chiến lược và có tác động lâu dài”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Ảnh tràn viền

Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.

Để giám sát thực sự hiệu quả và mang lại giá trị thiết thực, Quốc hội cần một cách tiếp cận mới mẻ, sâu sát với thực tiễn. Việc giám sát tối cao không chỉ là trách nhiệm mà còn là tâm huyết với sự phát triển của đất nước, với cuộc sống của từng người dân. Vì vậy, phương pháp và hình thức giám sát phải thật sự linh hoạt và sáng tạo, thoát khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc, tránh chồng chéo với chức năng của các cơ quan Nhà nước khác.

Giám sát tối cao cần bám sát đời sống, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, từ chính những người dân đang chịu tác động từ các chính sách. Chúng ta cần tạo ra những diễn đàn giám sát mở, nơi các đại biểu Quốc hội, người dân và các chuyên gia có thể cùng thảo luận, phản biện một cách chân thành và xây dựng. Chính sự kết nối từ cộng đồng lên đến Quốc hội sẽ giúp tránh được những đánh giá chung chung, giúp Quốc hội nắm bắt rõ bức tranh thực tế, từ đó có những điều chỉnh phù hợp và cần thiết.

Giám sát hiệu quả không phải là làm cho đủ quy trình, mà là phải tạo ra tác động tích cực, thúc đẩy sự cải thiện, hoàn thiện của chính sách, đồng thời truyền tải được ý nghĩa cao đẹp của sự kiểm soát quyền lực vì lợi ích chung. Quốc hội nên khuyến khích và phát huy vai trò của các tổ chức độc lập, của báo chí và người dân trong hoạt động giám sát, để tạo thành một hệ thống giám sát đa chiều, không trùng lặp, không lãng phí.

Điều cuối cùng, có lẽ cũng là quan trọng nhất, là cần một cơ chế phản hồi minh bạch. Mọi kết quả giám sát cần được công khai, để nhân dân biết rõ quá trình, nhìn thấy rõ hiệu quả, từ đó củng cố lòng tin và sự ủng hộ của xã hội đối với hoạt động giám sát tối cao. Sự giám sát như thế không chỉ bảo đảm sự minh bạch, công bằng, mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến lợi ích và đời sống của toàn dân tộc.

Để thực hiện đổi mới công tác lập pháp, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần xóa bỏ tình trạng tư duy cứng nhắc "quản không được thì cấm". Theo đó, Quốc hội cần thay đổi cách tiếp cận xây dựng luật theo hướng cởi mở và linh hoạt hơn, khuyến khích sáng tạo và phát huy quyền tự chủ ở các cấp, đặc biệt là tại địa phương. Trước hết, trong quá trình xây dựng luật, cần tập trung vào những nguyên tắc nền tảng, quy định những khung pháp lý cốt lõi, thay vì đi vào các chi tiết nhỏ lẻ và dễ thay đổi. Điều này giúp các quy định pháp luật có tính ổn định, lâu dài, vừa đảm bảo tính nhất quán, vừa dễ dàng điều chỉnh khi cần. Việc trao thêm quyền tự chủ cho Chính phủ, địa phương là một giải pháp quan trọng, để các cơ quan quản lý có thể linh hoạt áp dụng các chính sách phù hợp với tình hình thực tế của mình. Để đạt được điều này, cần có các quy định pháp lý rõ ràng và minh bạch về trách nhiệm và quyền hạn ở các cấp quản lý, giúp Chính phủ, địa phương chủ động hơn trong việc triển khai và điều chỉnh các quy định, mà không phụ thuộc quá nhiều vào cấp thẩm quyền ở trên.

Đồng quan điểm này, TS, Giảng viên chính Hoàng Thị Loan, Phó trưởng Bộ môn Luật Dân sự (Trường Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ: Gần đây Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra quan điểm lập pháp rất mới đó là xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm” nâng cao nhận thức “người dân được làm những gì pháp luật không cấm”. Là một người dân, tôi rất ủng hộ quan điểm này. Giai đoạn trước đây, chúng ta có tư duy “không quản được thì cấm hoặc hạn chế quyền của người dân một cách không cần thiết”, điều này làm hạn chế sự sáng tạo, tư duy và hành động dám nghĩ dám làm, kéo theo hạn chế sự phát triển về mọi mặt. Ví dụ gần gũi nhất liên quan đến chuyên môn nghiên cứu của tôi đó là: trước đây người dân bị hạn chế các quyền về đất đai nhưng kể từ khi Hiến pháp 1992 và Luật Đất đai 1993 ra đời cho đến nay, người dân được tư do thực hiện các giao dịch về đất đai. Điều này giúp các giao dịch dân sự, kinh tế phát triển, quyền dân sự của con người theo đó được đảm bảo ở mức độ ngày càng cao hơn. Nhưng gần đây, tôi lại thấy có quan điểm hạn chế người dân và doanh nghiệp thỏa thuận để làm nhà ở thương mại, điều này ít nhiều hạn chế quyền tự do thỏa thuận của người dân, đồng thời có xu hướng quay lại tư duy quản lý hành chính bằng việc thu hồi đất dễ gây khiếu kiện.
"Quốc hội cũng nên lập pháp theo hướng xây dựng luật khung, vấn đề cụ thể, Chính phủ quy định để kịp thời điều chỉnh. Vì nước ta đang phát triển, các quan hệ xã hội mới xuất hiện trong thực tiễn cuộc sống luôn đi trước luật pháp. Quốc hội cần tiếp tục nâng cao chất lượng và thường xuyên giám sát việc quy định chi tiết thi hành luật cũng như quá trình tổ chức thực hiện như thời gian qua", TS Hoàng Thị Loan nhấn mạnh.

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Để đổi mới hoạt động của Quốc hội, một trong những yếu tố "then chốt của then chốt" là đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.

Đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội không chỉ là nhiệm vụ cần thiết, mà còn là một yêu cầu tất yếu để đáp ứng kịp thời với sự phát triển của đất nước, đặc biệt như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ “thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Trong đó, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các đại biểu Quốc hội là một trong những yếu tố “then chốt của then chốt”, để Quốc hội thực sự trở thành tiếng nói đại diện cho nhân dân và là nơi đưa ra những quyết định chiến lược cho tương lai đất nước.

Ảnh tràn viền

Một đại biểu Quốc hội không chỉ đơn thuần là người tham gia vào quá trình lập pháp hay giám sát, mà còn phải đóng vai trò là "nhịp cầu" kết nối giữa ý chí, nguyện vọng của người dân và những chính sách của nhà nước. Vì vậy, để mỗi đại biểu phát huy tối đa trách nhiệm và hiệu quả trong vai trò của mình, Quốc hội cần có những biện pháp đào tạo, hỗ trợ chuyên môn và cập nhật kiến thức thường xuyên. Điều này không chỉ giúp đại biểu nắm bắt sâu sắc về lĩnh vực mình phụ trách, mà còn nâng cao kỹ năng đánh giá, phản biện và phân tích chính sách - những kỹ năng cốt lõi để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hơn nữa, cần một môi trường khuyến khích sự trao đổi cởi mở và đa chiều, nơi các đại biểu được thể hiện quan điểm, đóng góp ý kiến một cách khách quan và độc lập, tránh những ràng buộc làm giảm tính sáng tạo và sức phản biện của từng cá nhân.

Ngoài ra, Quốc hội cần cải tiến quy trình làm việc và thúc đẩy ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa các hoạt động lập pháp, giám sát và thảo luận. Không chỉ có chính phủ số, chúng ta cần có Quốc hội số. Khi từng đại biểu có thể truy cập nhanh chóng và thuận tiện vào thông tin cần thiết, họ sẽ có thêm nhiều công cụ và nguồn lực để đưa ra những quyết định sáng suốt hơn. Chính sự linh hoạt, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động sẽ là nền tảng vững chắc để Quốc hội đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân, góp phần dẫn dắt đất nước vươn mình trong giai đoạn phát triển mới.

Ảnh tràn viền

Trước những vấn đề mới, xu hướng mới, nhất là những vấn đề liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, việc thích ứng với các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hay vấn đề kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, lợi ích nhóm..., hành lang pháp lý cần được định hình với một tầm nhìn xa và linh hoạt.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số hay chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng công nghệ, mà còn đặt ra các yêu cầu cấp thiết về sự phát triển bền vững và tối ưu hóa nguồn lực của quốc gia. PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, những vấn đề này cần được lồng ghép vào khuôn khổ pháp lý một cách bài bản, có chiều sâu, đảm bảo tính an toàn và minh bạch, đồng thời phải đủ linh hoạt để thích ứng với sự thay đổi liên tục của các công nghệ mới. Pháp luật cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân tiên phong trong các lĩnh vực mới như AI, chuyển đổi số hay công nghệ xanh. Những quy định khuyến khích đổi mới sáng tạo, kết hợp với các tiêu chuẩn an toàn, sẽ giúp Việt Nam đón đầu xu hướng, mà không đánh mất giá trị cốt lõi về bảo vệ người tiêu dùng, quyền riêng tư và môi trường.

Theo Trung tá, ThS Dương Văn Đại, giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, trong quá trình đổi mới phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần phải xây dựng được quy chế phối hợp công tác giữa các ban tham mưu của cấp ủy đảng và cơ quan nhà nước tương ứng cùng cấp, nhất là giữa Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Chính phủ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ. Khẳng định vai trò của văn phòng Quốc hội là nơi kết nối và “lưu giữ” tinh hoa của các đại biểu Quốc hội luôn thấm nhuần lời nói và hành động: Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ.

Ảnh tràn viền

Ảnh trái: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba Esteban Lazo Hernandez (2-11-2024). Ảnh phải: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Hạ viện Malaysia Tan Sri Dato' Johari Bin Abdul (23-10-2024).

Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia vào nhiều điều ước và thỏa thuận quốc tế, đòi hỏi một hành lang pháp lý đảm bảo sự nhất quán giữa các quy định trong nước và quốc tế. Pháp luật cần mở ra các cơ chế thực thi hiệu quả, giúp cho quá trình hội nhập của đất nước không chỉ mang tính hình thức, mà còn thực chất. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý cần cung cấp công cụ cụ thể để kiểm soát quyền lực, đảm bảo rằng quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và tính minh bạch. Điều này không chỉ phòng, chống tiêu cực và lợi ích nhóm, mà còn tạo niềm tin cho Nhân dân vào bộ máy quản lý, xây dựng một Nhà nước “liêm chính và hành động”.

Kết hợp tất cả các yếu tố trên, hành lang pháp lý của Việt Nam cần phải trở thành “đòn bẩy” giúp đất nước không chỉ bắt kịp mà còn sẵn sàng dẫn đầu trong một số lĩnh vực trên sân chơi quốc tế. Hướng tới một hệ thống pháp luật bền vững, minh bạch và đổi mới, Việt Nam mới có thể vững bước trong kỷ nguyên phát triển và hội nhập toàn cầu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đại biểu Quốc hội “phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải luôn luôn ghi nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng”. Đây không chỉ là kim chỉ nam, mà còn là nguồn động viên sâu sắc cho mỗi đại biểu trong việc thực thi trách nhiệm với đất nước và Nhân dân, luôn đặt lợi ích của Nhân dân, của đất nước lên hàng đầu, giữ vững bản lĩnh, kiên định, vì mục tiêu phát triển bền vững, công bằng và thịnh vượng.

Ảnh tràn viền

Phát biểu trước Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp cách cần giải quyết. Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội.

Với những thành tựu to lớn của đất nước đã đạt được, cùng những đóng góp quan trọng của Quốc hội, cử tri và Nhân dân luôn tin tưởng mạnh mẽ vào hoạt động của Quốc hội trong việc tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật, để phục vụ cho lợi ích của Nhân dân và sự phát triển của đất nước. Quốc hội sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng pháp lý ổn định, linh hoạt, thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thời đại. Đồng thời, Quốc hội sẽ tiếp tục nâng cao vai trò giám sát và kiểm soát quyền lực, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quá trình lập pháp, đồng thời phát huy vai trò của các đại biểu Quốc hội trong việc lắng nghe tiếng nói của người dân, đưa ra những quyết sách đúng đắn, vì lợi ích quốc gia và hạnh phúc của toàn dân.

Những kỳ vọng đó sẽ chỉ trở thành hiện thực khi mỗi đại biểu luôn giữ vững tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền lại, làm việc bằng cả tâm huyết và trách nhiệm cao nhất. Chính điều này sẽ tạo nên một Quốc hội mạnh mẽ, sáng suốt, đồng hành cùng đất nước trên hành trình phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Ảnh tràn viền