Trong hành trình phát triển của đất nước, Quốc hội Việt Nam không chỉ đóng vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất, mà còn là biểu tượng cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Nhiệm kỳ XV đã đi qua một giai đoạn đầy thách thức nhưng cũng rất thành công, khi Quốc hội đã thể hiện rõ vai trò tiên phong trong việc giải quyết các vấn đề trọng đại của quốc gia, từ chống dịch Covid-19 đến việc ban hành kịp thời các quyết sách kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng. Qua đó, tạo nên hình ảnh nổi bật về một Quốc hội hành động và đồng hành, góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua những thử thách ngặt nghèo, vững bước phát triển.
Giai đoạn 2020 - 2021, trước “cơn bão” Covid-19, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “hành động vì dân”, Quốc hội đã nhanh chóng, kịp thời có các quyết sách đặc biệt trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, ngân sách, tài chính, đồng hành cùng Chính phủ ứng phó hiệu quả với tình hình khẩn cấp.
Trong đó, một quyết định mang tính đột phá, không chỉ về pháp lý, mà còn trong tư duy quản lý nhà nước có thể kể đến là ngày 28-7-2021, tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, Nghị quyết 30/2021/QH15 được thông qua, trao quyền chủ động đặc biệt cho Chính phủ để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ. Từ Nghị quyết này, Chính phủ đã chủ động thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định, như: Rút ngắn thời gian phê duyệt, đơn giản hóa thủ tục trong mua sắm vaccine, thiết bị y tế; huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa và triển khai “Quỹ Vaccine phòng Covid-19”, quyên góp hơn 10.500 tỷ đồng từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; điều chỉnh linh hoạt ngân sách, chuyển hơn 15.000 tỷ đồng từ các nguồn khác để phục vụ mua vaccine và phát triển y tế dự phòng…
Trong giai đoạn khó khăn này, những quyết sách kịp thời, linh hoạt từ Quốc hội không chỉ giúp kiểm soát dịch bệnh, mà còn mang lại những tác động xã hội tích cực, rõ nét. Hơn thế nữa là củng cố niềm tin của người dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tiếp thêm động lực để toàn xã hội cùng nhau vượt qua đại dịch.
Bày tỏ cảm xúc trong thời gian tham gia chống dịch Covid-19 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh, Trung tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) chia sẻ: Là một bác sĩ-chiến sĩ quân y, những tháng ngày dịch Covid-19 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh, tôi cùng các cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) được tăng cường vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch. Đây là những tháng ngày tuy vất vả, hiểm nguy, nhưng là quãng thời gian vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời làm bác sĩ của tôi và đồng nghiệp. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên (cuối tháng 8-2021), chúng tôi đã nhận được tình cảm của người dân Thành phố mang tên Bác dành cho Tổ điều trị Covid-19 của Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác. Bữa cơm tại tổ dân phố với sự quan tâm của người dân khiến cho tôi cảm thấy mình như đang ở nhà. Tình quân dân sao tuyệt vời đến vậy! Tôi và các đồng nghiệp càng cảm thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa để đáp lại tình cảm đó của bà con.
Nhìn lại những tháng ngày đó, tôi cảm nhận được tình quân dân, nghĩa đồng bào trong gian khó.
"Trước đại dịch, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã có những chính sách, quyết định kịp thời để hỗ trợ đồng bào. Không chỉ có ngành y tế, mà tôi thấy rằng, rất nhiều ngành, nghề khác, sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã đưa đất nước vượt qua khó khăn, góp phần xây dựng, tạo “nền móng” vững chắc để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Trung tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn nhấn mạnh.
Một điểm nhấn nữa về một Quốc hội hành động thể hiện ở những kỳ họp “bất thường” đã trở thành hoạt động “bình thường”. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã có 8 kỳ họp bất thường, đáp ứng đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn cuộc sống, những vấn đề quốc kế dân sinh cho đến công tác nhân sự thuộc thầm quyền. Đây không chỉ khẳng định sự linh hoạt của Quốc hội, mà còn góp phần giải quyết nhanh chóng các vấn đề trọng yếu của đất nước. Những kỳ họp bất thường và nghị quyết đặc biệt của Quốc hội không chỉ là câu chuyện đã qua. Đó là những bài học và cơ chế quan trọng, để Việt Nam tiếp tục ứng phó với các thách thức trong tương lai, đồng thời mở ra cơ hội phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động. Qua đó cho thấy, Quốc hội luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu: Các quyết định từ mua vaccine, hỗ trợ kinh tế đến cải cách pháp luật, đều hướng tới việc bảo vệ sức khỏe và sinh kế của người dân. Chủ động thích ứng với hoàn cảnh đặc biệt: Việc trao quyền linh hoạt cho Chính phủ đã tạo điều kiện ứng phó nhanh và hiệu quả với các tình huống khẩn cấp. Linh hoạt nhưng không buông lỏng kỷ luật: Dù cho phép những biện pháp chưa có tiền lệ, Quốc hội vẫn yêu cầu minh bạch và trách nhiệm giải trình trong từng hành động của Chính phủ.
Linh hoạt thích ứng, đổi mới phương thức làm việc là một điểm sáng khác của nhiệm kỳ này. Quốc hội đã áp dụng các phiên họp trực tuyến trong đại dịch Covid-19 và duy trì mô hình họp kết hợp sau đó để tiết kiệm thời gian, chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Trong bối cảnh toàn cầu đối mặt với nhiều biến động về kinh tế, chính trị và môi trường, Quốc hội Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong việc hoạch định chính sách và tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững. Những Luật, Nghị quyết quan trọng mà Quốc hội ban hành không chỉ tháo gỡ các nút thắt lâu năm trong nền kinh tế, mà còn mở ra những động lực mới cho cải cách và tăng trưởng.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tại các kỳ họp, Quốc hội khóa XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (trên 60 văn bản), trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng, như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ; các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố… Những văn bản này không chỉ hướng đến giải quyết những bất cập đã tồn tại nhiều năm, mà còn thúc đẩy minh bạch, hiệu quả trong quản lý kinh tế và xã hội.
Đơn cử như với Luật Đầu tư công (sửa đổi), Quốc hội đã bổ sung nhiều quy định nhằm rút ngắn thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả giải ngân và tăng cường phân cấp cho các địa phương. Kết quả, đến cuối năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 94%, mức cao nhất trong một thập kỷ. Các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành đều được đẩy nhanh tiến độ, tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế. Hay như một trong những bộ luật được người dân và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là Luật Đất đai (sửa đổi). Những thay đổi quan trọng bao gồm việc minh bạch hóa quy trình thu hồi đất, định giá đất theo thị trường và tăng cường bảo vệ quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng năm 2024, bất động sản là ngành đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với gần 4,4 tỉ USD, chiếm gần 17,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các chuyên gia nhận định, thành quả này phản ánh sự tin tưởng của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam, có sự đóng góp rất quan trọng từ Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), với những yêu cầu về giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch, đồng thời siết chặt quy định về vốn pháp định và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Ngoài ra, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn sau đại dịch và tác động từ các cuộc xung đột địa chính trị, Quốc hội cũng đã linh hoạt thông qua các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Như gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ đồng được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất (tháng 1-2022). Đến cuối năm 2023, hơn 85% gói hỗ trợ đã được giải ngân, góp phần giúp Việt Nam duy trì mức tăng trưởng GDP ấn tượng ở mức 5,6%, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, vận tải, không chỉ giúp doanh nghiệp phục hồi, mà còn kích thích tiêu dùng nội địa.
Một điểm sáng trong nhiệm kỳ XV là sự phối hợp hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ trong xây dựng và thực thi chính sách, tạo nền tảng pháp lý và thực tiễn vững chắc cho sự phát triển của đất nước. Qua đó, không chỉ minh chứng cho tinh thần đồng hành, trách nhiệm giữa Quốc hội và Chính phủ, mà còn khẳng định hiệu quả của sự phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách và dài hạn. Sự phối hợp, hỗ trợ, đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ trong suốt quá trình xây dựng, thẩm tra, cho ý kiến, tiếp thu, giải trình và thông qua các luật, nghị quyết, nhất là trong những giai đoạn khó khăn của phòng, chống dịch, giai đoạn thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đã trở thành động lực mạnh mẽ để Việt Nam vượt qua những thách thức, trở ngại từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Đơn cử như trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề, hội thảo, khảo sát thực tế tại các địa phương để thu thập ý kiến từ thực tiễn. Hơn 12.000 ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, chuyên gia và người dân đã được tiếp nhận, giúp hoàn thiện các quy định pháp luật mang tính khả thi cao. Những điều chỉnh như định giá đất theo giá thị trường và bồi thường khi thu hồi đất không chỉ đảm bảo công bằng, minh bạch, mà còn giảm thiểu khiếu nại, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội.
Bên cạnh việc xây dựng chính sách, Quốc hội đặc biệt chú trọng đến giám sát thực thi. Năm 2024, 5 phiên giám sát chuyên đề đã được tổ chức, tập trung vào các lĩnh vực “nóng” như giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính và quản lý đất đai. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 92%, thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm trung bình 20%, nhiều bất cập trong quản lý đất đai được kịp thời xử lý. Sự phối hợp chặt chẽ còn thể hiện qua việc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia. Với dự án cao tốc Bắc - Nam, Quốc hội đã tháo gỡ những khó khăn về vốn và cơ chế, giúp hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc vào cuối năm 2024. Dự án sân bay Long Thành cũng đạt nhiều cột mốc quan trọng, với các hạng mục chính được triển khai đúng tiến độ, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2026.
Quốc hội cũng thực hiện giám sát chặt chẽ các cơ quan hành pháp và tư pháp để đảm bảo các chính sách được triển khai đúng đắn, hiệu quả. Trong năm 2024, các phiên chất vấn tại Quốc hội đã tập trung vào những vấn đề “nóng”, như: Cải cách giáo dục, giải ngân đầu tư công, kiểm soát giá cả thị trường... Nhờ giám sát quyết liệt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã tăng từ 75% năm 2023 lên 92% năm 2024, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, các biện pháp quản lý giá cả xăng, dầu và thực phẩm thiết yếu được thực hiện hiệu quả, giảm thiểu tác động đến đời sống người dân.
Đề cao văn hóa liêm chính, tinh thần minh bạch, trách nhiệm vì dân trong hoạt động, Quốc hội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm tăng cường tính công khai và minh bạch. Qua hệ thống cổng thông tin điện tử cải tiến, cử tri có thể theo dõi trực tiếp các phiên họp và gửi ý kiến đóng góp dễ dàng. Đến cuối năm 2024, đã có hơn 50.000 ý kiến của người dân được tiếp thu và phản hồi, thu hẹp khoảng cách giữa Quốc hội và cử tri. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào tổng hợp ý kiến cử tri và phân tích dữ liệu giúp nâng cao tính khoa học và thực tiễn trong các quyết sách. Nhờ đó, các dự thảo luật và nghị quyết đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế và nguyện vọng của nhân dân.
Ý kiến ()