1
89
5031929
176
Quốc hội liêm chính, kiến tạo, dân chủ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 1: Dân chủ nghị trường trong thời kỳ đổi mới - Báo Lạng Sơn
https://baolangson.vn/quoc-hoi-liem-chinh-kien-tao-dan-chu-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-bai-1-dan-chu-nghi-truong-5031929.html
longform
Quốc hội liêm chính, kiến tạo, dân chủ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 1: Dân chủ nghị trường trong thời kỳ đổi mới

Cover

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, có vấn đề vượt dự báo. Tuy nhiên, đất nước ta vẫn đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần củng cố cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước qua gần 40 năm đổi mới. Trong những thành tựu đó, có đóng góp rất quan trọng của Quốc hội nói chung, Quốc hội khóa XV nói riêng.
Trước ngưỡng cửa kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giải quyết các vấn đề trọng đại của đất nước, tạo tiền đề, chuẩn bị mọi mặt đưa đất nước tiến nhanh, tiến cùng thời đại.
Báo Quân đội nhân dân giới thiệu loạt bài: “Quốc hội liêm chính, kiến tạo, dân chủ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Dân chủ theo nguyên nghĩa là quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Nhân dân là chủ thể cao nhất của quyền lực nhà nước. Các quyền lực khác của các cơ quan nhà nước đều là “phái sinh” được Nhân dân ủy quyền, trao quyền. Trong đó, dân chủ nghị trường là biểu hiện rõ nét sự đặc sắc của địa vị pháp lý của Quốc hội. Ở Việt Nam, vị thế, vai trò của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Do vậy, xây dựng nền dân chủ XHCN gắn liền với phát huy vai trò của Quốc hội là một tất yếu khách quan, là một yêu cầu cấp thiết của cuộc sống.

Ảnh tràn viền

Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện bản chất của chủ nghĩa xã hội. Đại hội VI đánh dấu bước phát triển tư duy lý luận về dân chủ xã hội chủ nghĩa của Đảng. Tổng kết sự phát triển lý luận về dân chủ xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) nhấn mạnh: “Dân chủ Xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”, “xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực”, “Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương, và phải được thể chế bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”.

Thực hành dân chủ nói chung, dân chủ nghị trường nói riêng là nhu cầu khách quan, cần thiết trong mọi giai đoạn của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới. Đại hội VI của Đảng đánh dấu bước phát triển tư duy lý luận về dân chủ xã hội chủ nghĩa của Đảng. Đó là quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; coi “làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa cần được thực hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống”. Trước Đại hội XI, trong nghị quyết, Đảng thống nhất chủ trương mục tiêu là xây dựng Nhà nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tại Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: Xây dựng nước Việt Nam XHCN “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Căn cứ để đưa ra sự thay đổi này là Đảng nhận thức, dân chủ là cốt lõi, đặt “dân chủ” lên trên và không còn là tính từ cho “xã hội” nữa.

Ảnh tràn viền

Dân chủ là một trong những mục tiêu như các mục tiêu dân giàu, nước mạnh và mang ý nghĩa toàn diện.

Dân chủ là một trong những mục tiêu như các mục tiêu dân giàu, nước mạnh và mang ý nghĩa toàn diện. Đến Đại hội XIII, Đảng ta luôn thể hiện nhất quán quan điểm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Vì vậy, dân chủ ngày càng được đề cao; thực thi ngày càng có chiều sâu và lan tỏa mạnh mẽ trong xã hôi, góp phần thúc đẩy, nâng cao đời sống chính trị trong các tầng lớp nhân dân, nhưng quan trọng hơn, đó là thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Chính phủ, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò lãnh đạo của Đảng.

Để thể chế hóa mục tiêu, quan điểm xây dựng dân chủ của Đảng thành hiện thực, từ nhiều nhiệm kỳ trước, việc thực hành dân chủ trong họp Quốc hội, trong nghị trường, nhất là từ nhiệm kỳ XI, XII đã có sự phát triển rất mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực. GS, TS Đào Trọng Thi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá: “Năm 1946, trong khóa Quốc hội đầu tiên, chúng ta lựa chọn con đường xây dựng Nhà nước dân chủ. Nhưng, phải nói thật, trong hoạt động của Quốc hội thời kỳ này, việc đấu tranh để bảo vệ nền tảng dân chủ của một thể chế Nhà nước cũng giống như cách của Quốc hội nhiều nước trên thế giới - là sự đấu tranh giữa các lực lượng đối lập trong Quốc hội … Quốc hội khi đó chưa có cơ chế để thực hiện đấu tranh, tranh luận (đây là động lực phát triển của xã hội). Nếu không có cơ chế này thì sẽ không tạo được dân chủ thực sự”.

Sự đổi mới về thực hiện dân chủ của Quốc hội được thể hiện đầy đủ nhất, sinh động nhất và có sức lan tỏa tới nhân dân nhiều nhất, có lẽ là những lần tranh luận tại các kỳ họp, đặc biệt là trên diễn đàn Quốc hội trong mấy khóa gần đây. Quốc hội đã từng bước tạo dựng được không khí ngày càng dân chủ trong hoạt động. Các cuộc thảo luận, trao đổi tại Quốc hội ngày càng mang tính chất đối thoại, tranh luận nhiều hơn, góp phần xác lập và từng bước phát triển dân chủ nghị trường. Tranh luận diễn ra thẳng thắn, mang tính xây dựng, bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Ảnh tràn viền

Sự đổi mới trong dân chủ nghị trường ở Quốc hội liên tục được diễn ra mạnh mẽ và ngày càng thu được kết quả tốt. Dễ dàng nhận thấy, những nhiệm kỳ gần đây, dân chủ nghị trường đã phát huy được tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu trong thảo luận các dự án luật, nghị quyết, cũng như quá trình chất vấn, giám sát của Quốc hội. Bên cạnh đó, trách nhiệm thẩm tra, chỉnh lý, báo cáo của các cơ quan Quốc hội cũng được nâng cao; các ý kiến, nguyện vọng của cử tri được phản ánh kịp thời vào từng phiên họp. Trách nhiệm tiếp thu, giải trình kết luận giám sát và các ý kiến chất vấn của các cơ quan hành pháp, tư pháp cũng ngày càng được nâng cao rõ rệt. Các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Trần Thành Mẫn tại Kỳ họp thứ tám vừa qua: Các vị đại biểu Quốc hội, qua thực tiễn hoạt động, đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu vấn đề, cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, với những câu hỏi cụ thể như: Quan điểm thế nào-khi nào thực hiện-khi nào xong-tại sao chậm-giải pháp thế nào-trách nhiệm ở đâu. Tinh thần dân chủ còn thể hiện ngay trong sự nghiêm túc, cầu thị của các thành viên Chính phủ khi trả lời chất vấn với trách nhiệm cao, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ và thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời rõ nhiều vấn đề khó, phức tạp, thẳng thắn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đồng thời, đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế. Điểm chung của tinh thần ấy là: Trân trọng cảm ơn-nghiêm túc tiếp thu-nhận trách nhiệm cá nhân-sẽ quyết tâm thực hiện-và tha thiết mong các cơ quan, các địa phương vào cuộc mạnh mẽ cùng Chính phủ, bộ, ngành.

Về vấn đề dân chủ ở nghị trường, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng: Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, là nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân, đặc biệt là các cử tri trong cả nước. Tính chất đại diện, dân chủ, trách nhiệm và yêu cầu luôn luôn phải suy nghĩ, cân nhắc thấu đáo trong mọi vấn đề, để đưa ra những lời phát biểu, trao đổi, đóng góp, quyết định đúng đắn.

Theo PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Những đại biểu Quốc hội ngày nay được chọn lọc, đã trải qua quá trình để nhân dân bỏ phiếu bầu, khi đã trúng cử vào đại biểu Quốc hội, thì có nghĩa là họ đại diện cho quyền lợi, nguyện vọng của nhân dân. Một trong những yêu cầu của Quốc hội và với đại biểu Quốc hội là phải phát huy tính dân chủ. Dân chủ ở đây là nói được tiếng nói của nhân dân, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Dân chủ là lấy dân làm chủ.

Đại biểu muốn phát biểu cái gì, trao đổi cái gì hay muốn tham gia quyết nghị một vấn đề nào đó, thì phải suy nghĩ, đọc tài liệu, lắng nghe ý kiến của cử tri và nắm tình hình của đất nước cũng như từng vấn đề, để đưa ra chính kiến, phát biểu và quyết định. Như vậy, sẽ đúng đắn, khoa học, thể hiện tinh thần, trách nhiệm với đất nước và nhân dân.

Muốn thực hiện quyền làm chủ và thực hiện dân chủ trong hoạt động của nghị trường, thì đại biểu Quốc hội luôn luôn phải nâng cao trình độ, năng lực của bản thân, nắm vững kiến thức về xây dựng pháp luật, các vấn đề về quốc kế, dân sinh của đất nước và những vấn đề chuyên sâu khác.

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Các đại biểu Quốc hội cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm đại diện cho lợi ích của Nhân dân, chủ động và sáng tạo trong hoạt động xây dựng pháp luật. Để chuẩn bị cho các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu cần tăng cường hơn nữa các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri.

Ảnh tràn viền

Để nâng cao hơn nữa chất lượng dân chủ nghị trường, cần tiến hành cải tiến phương pháp, hình thức thể hiện chế độ gặp gỡ, mở rộng phạm vi, đối tượng gặp gỡ. Đại biểu Quốc hội thực sự phải là người dám lắng nghe tất cả các ý kiến của người dân, tránh tình trạng “thông tin cần thì đại biểu không được nghe, thông tin được nghe thì đại biểu không cần”. Làm được như vậy cũng chính là tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội tăng cường trách nhiệm của mình, phát huy vai trò trong thực hiện dân chủ nghị viện. Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội là một công cụ quan trọng để xây dựng và phát triển nền dân chủ. Việc này góp phần tăng cường quyền lực của Nhân dân”. Bởi lẽ, Quốc hội được xác định là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, vì Quốc hội do Nhân dân bầu ra, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn thể Nhân dân, được Nhân dân ủy quyền thực hiện quyền lực Nhà nước”.

Ảnh tràn viền

Các văn bản pháp luật đã ban hành bao gồm nhiều lĩnh vực, nổi bật là kinh tế - xã hội, nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển kinh tế, tạo điều kiện mở rộng đầu tư nước ngoài và quan hệ kinh tế đối ngoại. Quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa của mọi công dân được phát huy một bước quan trọng, được đảm bảo về pháp lý bằng các luật được Quốc hội ban hành.

Dân chủ nghị trường góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng như của các đại biểu Quốc hội, làm cho cả Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp đều mạnh lên. Trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Nhân dân, trước Quốc hội đã góp phần thực sự để Chính phủ ngày càng thực hiện tốt vai trò Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động. Các cơ quan tư pháp phát huy vai trò, chức năng bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý và quyền con người. Đồng thời, để các đại biểu Quốc hội ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trước Tổ quốc, trước Nhân dân, cần tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách, tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong các hoạt động của đại biểu.

Do đó, hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, thể hiện qua các kỳ họp Quốc hội và các phiên họp của các cơ quan của Quốc hội, của các Đoàn đại biểu của Quốc hội và các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, để nắm tâm tư, nguyện vọng, ghi nhận những kiến nghị xác đáng của Nhân dân. Quốc hội đã thực sự góp phần tăng cường dân chủ XHCN và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực, bảo đảm trên thực tế tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, đặc biệt, toàn bộ hệ thống chính trị và từng đại biểu Quốc hội quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII) “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”: “Tiếp tục xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; phát huy tính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.

Xét cho cùng, quyền lực Nhà nước là thống nhất, cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan và cơ chế kiểm soát quyền lực để đảm bảo quyền lực không bị lạm dụng trong tổ chức thực hiện. Cơ chế vận hành và sự kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong điều kiện thống nhất quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Dân chủ nghị trường đã góp phần quan trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, vì Nhân dân.

Ảnh tràn viền

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969 - 2024)”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Xây dựng Đảng về đạo đức gắn với xây dựng văn hóa liêm chính, coi văn hóa liêm chính là nền tảng xây dựng ý thức và đạo đức của cán bộ, đảng viên; đồng thời, “xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực. Muốn xóa bỏ triệt để, tận gốc tham nhũng, tiêu cực, việc xây dựng văn hóa liêm chính với tinh thần như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói “danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất” chính là giải pháp căn cơ, lâu dài.

Đối với hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật, liêm chính là nguyên tắc tối quan trọng và cần thiết, có như vậy, pháp luật được ban hành mới có tác dụng điều chỉnh, thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh, tốt đẹp hơn.

Ảnh tràn viền

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, Văn hóa liêm chính giữ vai trò cốt lõi trong hoạt động của Quốc hội, bởi đây là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân. Liêm chính không chỉ là sự minh bạch, công bằng, mà còn là biểu tượng của trách nhiệm và đạo đức công vụ. Một Quốc hội duy trì được văn hóa liêm chính sẽ tạo niềm tin vững chắc từ Nhân dân, đảm bảo rằng mọi chính sách và quyết định đều hướng tới lợi ích chung, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong thời gian qua, Quốc hội đã nỗ lực thực hiện văn hóa liêm chính thông qua nhiều hành động thiết thực. Vừa qua, trong công thư của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi các đại biểu Quốc hội cũng đã nhấn mạnh, công tác lập pháp được đổi mới mạnh mẽ, tập trung vào việc xây dựng các luật mang tính ổn định, dài hạn, phù hợp với thực tiễn đất nước, hạn chế tối đa tình trạng luật pháp bị chi phối bởi lợi ích nhóm. Đặc biệt, cần kiểm soát quyền lực chặt chẽ trong quá trình xây dựng pháp luật, xử lý nghiêm các vi phạm, để giữ gìn tính liêm chính trong tổ chức và hoạt động. Đồng thời, vai trò của từng đại biểu Quốc hội cũng được đề cao, yêu cầu mỗi người phải giữ vững phẩm chất đạo đức, hành động vì lợi ích quốc gia, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết. Trong khi đó, hoạt động giám sát của Quốc hội cũng ngày càng thể hiện tinh thần thẳng thắn, khách quan, tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu, như: Tài chính công, quản lý đất đai, phòng, chống tham nhũng...

Thực tiễn chứng minh, một trong những nguyên nhân khiến công tác xây dựng luật trong các nhiệm kỳ vừa qua đạt kết quả tốt chính là nhờ văn hóa liêm chính được đề cao. Hoạt động soạn thảo, thẩm tra, thảo luận các văn bản pháp luật không còn tồn tại những "khuyết tật" theo kiểu luật chồng luật, vì lợi ích của ngành mình mà xung đột với lợi ích chung, hoặc vòng đời của luật ngắn, hay câu chuyện “tham nhũng chính sách”...

PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho biết, trong thời gian sắp tới, Quốc hội vẫn tiếp tục đẩy mạnh minh bạch hóa trong mọi hoạt động, công khai các thông tin liên quan đến xây dựng luật pháp và ngân sách, tạo điều kiện để Nhân dân và báo chí tham gia giám sát, đóng góp ý kiến. Văn hóa liêm chính không chỉ là nền tảng cho một Quốc hội vững mạnh, mà còn là động lực để Việt Nam xây dựng một nhà nước pháp quyền hiện đại, trong sạch và công bằng.

Ảnh tràn viền

Ý kiến ()

  • Tags

Có thể bạn quan tâm