Quốc hội là đại diện quyền sở hữu về đất đai
Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, trong thời gian qua có đến 79,9% vụ khiếu kiện tố cáo của dân liên quan đến đất đai. Điều này chứng tỏ Luật Đất đai hiện hành bộc lộ những bất cập, chưa đáp ứng được với tình hình thực tế. Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai phải tập trung khắc phục những thiếu sót trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai, tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân...
Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, trong thời gian qua có đến 79,9% vụ khiếu kiện tố cáo của dân liên quan đến đất đai. Điều này chứng tỏ Luật Đất đai hiện hành bộc lộ những bất cập, chưa đáp ứng được với tình hình thực tế. Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đaiphải tập trung khắc phục những thiếu sót trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai, tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân…
Tách thẩm quyền định giá đất khỏi cơ quan có thẩm quyền giao đất
Ông Phạm Gia Hải, Ủy viên Hội đồng tư vấn về kinh tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đề nghị phải làm rõ vấn đề đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đại diện chủ sở hữu nên là hệ thống cơ quan lập pháp, còn thống nhất quản lý nên là cơ quan hành pháp. “Trong dự thảo Luật cần nêu vấn đề vai trò Quốc hội trong việc xây dựng Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cho nên phải quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống cơ quan đại diện chủ sở hữu. Quốc hội xem xét quy hoạch đất đai trong phạm vi toàn quốc, trong đó có quy hoạch sử dụng đất theo ngành và lĩnh vực. Địa phương chỉ nên làm kế hoạch sử dụng đất, như vậy mới đảm bảo thống nhất trong sử dụng đất đai” – Ông Hải nêu rõ.
Cùng chung quan điểm, Viện sĩ, tiến sĩ khoa học Trương Công Phú, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, mọi sửa đổi cụ thể đều phải xác định trên điểm cốt lõi nhất, quan trọng nhất, đó là chế độ sở hữu đất đai. Viện sĩ Trương Công Phú đề nghị quy định Quốc hội sẽ là đại diện sở hữu về đất đai. Quốc hội giao cho Chính phủ quản lý, phân bổ sử dụng đất đai theo định hướng và có sự giám sát của Quốc hội theo luật định. Chính phủ phân cấp cho UBND các cấp quản lý và phân bổ sử dụng đất tại địa phương theo quy định của luật.
TS Hồ Ngọc Hải, Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh, Luật cần quy định ai là chủ sở hữu về đất, ai đại diện chủ sở hữu đất đai và quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của đại diện chủ sở hữu. Bởi vì đất đai là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Nhà nước ở đây có 3 cơ quan chính là: cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Do đó cần phải có cơ quan cụ thể làm đại diện chủ sở hữu. Theo TS Hồ Ngọc Hải “cần để Quốc hội là cơ quan đại diện, chủ sở hữu là nhân dân. Vì Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất trong nhân dân”. Đồng thời cần bổ sung thêm định nghĩa “Quyền sử dụng đất” bởi vì đây là khái niệm then chốt thể hiện quyền hạn và quyền lợi của người dân về đất đai.
TS Hồ Ngọc Hải đề nghị tách thẩm quyền định giá đất khỏi người hoặc cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất; quy định theo hướng hình thành các tổ chức độc lập có chức năng định giá đất. Mặt khác, bổ sung quy định về cơ chế công khai giám sát, kết quả giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đối với các hành vi hành chính và quyết định hành chính về đất đai.
GS Nguyễn Lang: Phải làm rõ ai là người chủ sử hữu, ai là người đại diện của chủ sở hữu, ai là người quản lý và ai là người trực tiếp sử dụng tài sản đó – Ảnh: TH |
Theo GS Nguyễn Lang, Ủy viên Hội đồng tư vấn về kinh tế, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, quyền sử dụng đất là một quyền tài sản được nhà nước bảo hộ, điều này nhằm làm rõ quan điểm đã được Quốc hội ghi nhận về quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, GS Nguyễn Lang cũng cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Đồng thời, vấn đề định giá đất phải đảm bảo đúng đối tượng.
“Định giá đất là Quốc hội chứ không phải Chính phủ. Quốc hội định giá đất, đồng thời với định giá đất phải xác định những chính sách bồi thường khi thực hiện trưng mua, trưng dụng. Khi thực hiện trưng mua và trung dụng phải bảo đảm điều kiện người dân có mức sống tối thiểu bằng và cao hơn trước khi thu hồi đất” – GS Nguyễn Lang nêu rõ.
GS Lang cũng cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi phải thể hiện quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân, nhưng điều này mới chỉ được thể hiện trong Chương 11, cho nên so với việc bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư thì việc bảo đảm quyền lợi của người dân còn quá ít. Luật cũng cần làm rõ người hoặc cơ quan có trách nhiệm tham gia vào việc quản lý và sử dụng đất. “Lâu nay chúng ta có thói quen là nói đất do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nói như vậy rất mơ hồ cho nên dẫn đến sự nhận thức nhầm lẫn về những người tham gia vào quá trình sử dụng đất đai. Phải làm rõ ai là người chủ sử hữu, ai là người đại diện của chủ sở hữu, ai là người quản lý và ai là người trực tiếp sử dụng tài sản đó. Phải khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân nên chủ sở hữu là toàn dân”.
Cũng chung quan điểm này, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội Phạm Ngọc Thảo đồng tình với việc giá đất do các tổ chức tư vấn độc lập quy định để làm cơ sở tham khảo khi thu hồi đất và giao dịch về đất. Ông Phạm Ngọc Thảo phân tích, Điều 72 cần có một khoản quy định về phương thức bồi thường khác nhau đối với thu hồi đất vì mục đích khác nhau. Trong đó việc thu hồi vì mục đích an ninh quốc phòng với thu hồi để kinh doanh nhà ở về phương thức, thủ tục, giá cả và trình tự phải khác nhau vì mục đích, ý nghĩa của việc thu hồi là khác nhau. Việc thu hồi đó sẽ hạn chế việc lạm dụng quỹ đất để làm giàu cho doanh nghiệp kinh doanh, gây thất thoát, lãng phí và thiệt thòi cho người dân. Từ phân tích này, ông Phạm Ngọc Thảo đề xuất thêm khoản 4, Điều 72: “Việc bồi thường, tái định cư phải đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất bằng hoặc tốt hơn trước khi bị thu hồi đất và phải thực hiện xong trước khi thu hồi đất”.
Cần “trưng mua” đối với các dự án phát triển kinh tế – xã hội
Góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về các vấn đề liên quan đến đất đai, Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Nam Lê Văn Lai cho biết: Điều 58 của Hiến pháp sửa đổi được bà con tỉnh Quảng Nam rất đồng tình với quy định “Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”.
Tuy nhiên, theo ông Lai, trong phần nói về thu hồi đất, thì bản thân nội dung này lại mâu thuẫn. “Tôi rất thống nhất trong trường hợp thật cần thiết thì có thể thu hồi đất, nhưng việc diễn giải lý do lấy đất cho quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế, xã hội… thì tất cả mọi trường hợp đều có thể thu hồi đất. Theo tôi, chỉ nên quy định thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh còn các trường hợp khác phải trưng mua, phải thỏa thuận và đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Nếu không thì 70% khiếu kiện về đất không những giảm đi mà còn tăng lên. Trong khi đó, một trong những yêu cầu sửa đổi Hiến pháp lần này là làm cho xã hội ổn định”.
Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị bàn tròn nêu ý kiến của nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 12/4 mới đây, GS Nguyễn Lang chỉ ra một trong những “khiếm khuyết” của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là tiếp tục củng cố và nâng cao quyền thu hồi, cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho người dân (chủ yếu là nông dân). Trong Dự thảo Hiến pháp năm 1992, tại khoản 3, Điều 58 đã mở rộng quyền hạn của nhà Nhà nước từ chỉ được trưng mua, trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp phòng chống thiên taiđã được mở rộng thành quyền thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế – xã hội.
GS Nguyễn Lang nhấn mạnh việc sửa luật lần này cần khắc phục cho được những thiếu sót, sai lầm của bộ máy hành pháp trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai, tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân theo hướng hạn chế quyền trưng mua, trưng thu đất, chỉ sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do an ninh, quốc phòng. “Không chấp nhận việc giao cơ quan hành pháp quyền thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Trong trường hợp này, chủ đầu tư phải tiến hành thỏa thuận với người dân đang sử dụng đất để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo các hợp đồng dân sự”.
TS Nguyễn Quang Thái, Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, quy định thu hồi đất vì phát triển kinh tế – xã hội nên bỏ vì dễ bị lạm dụng. Rộng hơn, ông cho rằng cần hạn chế thu hồi đất vì các mục đích vì dễ bị lợi ích nhóm lợi dụng. Ngay cả việc thu hồi đất vì an ninh – quốc phòng, phòng chống thiên tai thì cũng phải đền bù xứng đáng dựa trên tư vấn bồi thường độc lập.
Đáng chú ý, trả lời báo chí bên lề Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do HĐND Thành phố Hà Nội tổ chức cách đây không lâu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho biết “có ý kiến nói rằng nếu để vế “thu hồi đất phát triển các dự án kinh tế – xã hội” sẽ dẫn đến mở rộng quá quyền thu hồi đất của các cơ quan Nhà nước và có thể xâm phạm đến quyền sử dụng đất của người dân. Thậm chí có thể xảy ra tình trạng thu hồi đất tùy tiện ở chỗ này, chỗ khác. Tôi cho rằng, đây là những ý kiến phải ghi nhận để xem xét trong khi trình ra Quốc hội. Đây cũng là vấn đề cần cân nhắc. Quốc hội sẽ quyết định phương án lựa chọn”.
GS Nguyễn Lân Dũng: Không sử dụng cụm từ “thu hồi đất” mà sử dụng cụm từ “trưng mua, trưng dụng đất” phù hợp với từng trường hợp – Ảnh: TH |
Cũng tại Hội nghị do MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 12/4, GS Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học – Giáo dục kiến nghị, không sử dụng cụm từ “thu hồi đất” mà sử dụng cụm từ “trưng mua, trưng dụng đất” phù hợp với từng trường hợp Nhà nước lấy đất của dân phục vụ cho lợi ích quốc gia hay lợi ích cộng đồng. Cần đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, nhất là trong khâu định giá đất khi Nhà nước trưng mua, trưng dụng đất.
GS Nguyễn Lân Dũng cũng nêu quan điểm, Quốc hội là người đại diện sở hữu về đất đai. Quốc hội giao cho Chính phủ quản lý, phân bổ sử dụng đất đai theo định hướng và có sự giám sát của Quốc hội theo luật định. Chính phủ phân cấp quản lý và phân bổ sử dụng đất tại địa phương theo quy định luật. Quan điểm này của GS Dũng nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu tham dự hội nghị.
Dangcongsan
Ý kiến ()