Quốc hội khoá XV: Gợi mở nhiều giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế
Các đại biểu đánh giá việc hỏi đáp rất cụ thể, vừa phản ánh các nguyện vọng, thực tiễn đời sống của nhân dân vừa tham gia đóng góp vào vấn đề lớn liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Sáng 12/11, Quốc hội đã kết thúc 2 ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn, với nhiều nội dung được đại biểu, cử tri cả nước quan tâm.
Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, phóng viên TTXVN đã ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu, cử tri về phần trả lời của các bộ trưởng, tư lệnh ngành đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước trong nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn Hải Phòng): Thực hiện giám sát thông qua chất vấn
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đặt trong bối cảnh đại dịch COVID vẫn đang diễn biến khó lường và khó dự báo.
Song, Quốc hội đã chủ động chia nội dung kỳ họp thành các giai đoạn khác nhau và có kịch bản cho các phiên họp để ứng phó kịp thời, linh hoạt trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu hơn, ngay cả trong quá trình kỳ họp đang diễn ra.
Kỳ họp này có khối lượng công việc khá lớn và nhiều vấn đều phức tạp, nhưng Quốc hội đã dành riêng 2 ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn các nhóm vấn đề mà đại biểu, cử tri cả nước đang quan tâm thuộc lĩnh vực y tế, lao động, thương binh và xã hội, giáo dục và kế hoạch-đầu tư, với tinh thần đây là phương thức tốt để thực hiện quyền giám sát tại chỗ của Quốc hội.
Qua các phiên chất vấn tôi thấy rằng việc hỏi đáp rất cụ thể, vừa phản ánh, phản hồi các thông tin, nguyện vọng, thực tiễn đời sống của nhân dân và cử tri, vừa tham gia đóng góp vào vấn đề lớn liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Các đại biểu kỳ vọng đối với các phiên chất vấn còn nhiều, trong khi quỹ thời gian có hạn, song vẫn còn thời gian để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thay mặt Quốc hội giải quyết giữa hai kỳ họp.
Thành viên Quốc hội với cơ chế và quy chế hiện nay vẫn có thể tiếp tục tham gia ý kiến và góp ý.
Đại biểu Rơ Châm H′Phik (Đoàn Gia Lai): Tinh gọn các nhóm vấn đề chất vấn
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã rút ngắn thời gian so với trước đây nhưng chất lượng không thay đổi, thậm chí có sự tinh gọn hơn, nhờ đó đại biểu tham gia kỳ họp có sự tập trung hơn.
Điều này cũng được thể hiện rõ tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, với các nhóm vấn đề đúng và trúng.
Về phía các đại biểu đặt vấn đề rất hay, phù hợp với thực tế, nhất là vấn đề làm thế nào để giải quyết các chính sách cho các hộ dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID.
Nghị trường Quốc hội có sự tham gia sôi nổi đối với việc tìm ra các biện pháp để tháo gỡ cho các doanh nghiệp liên quan đến nguồn lao động. Cụ thể, từ việc các lao động ở các thành thị di chuyển nhiều về nông thôn làm đứt gãy chuỗi cung ứng lao động đến khôi phục sản xuất.
Đối với các bộ trưởng, tư lệnh ngành đã trình bày thẳng thắn và cụ thể các vấn đề liên quan đến phối hợp với các doanh nghiệp đưa người lao động trở lại, tạo được nguồn lao động trên thị trường…
Đồng thời, tiếp thu đối với những giải pháp mang tính chất dài hạn để chủ động đưa ra biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Theo tôi, để khắc phục vấn đề lao động khi đây là nguồn lực quan trọng, liên quan đến phát triển kinh tế đất nước cần phải có sự căn cơ trong việc quy định rõ ràng văn bản, cách thức để làm sao các doanh nghiệp thực hiện dễ dàng.
Khi có chính sách hỗ trợ nhất định nào đó đối với các doanh nghiệp để phục hồi sau đại dịch, các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện.
Chỉ khi có sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự phối hợp của doanh nghiệp sẽ giải quyết được vấn đề, nhất là trong việc đưa lao động trở lại làm việc ở các khu công nghiệp.
Cử tri Nguyễn Bích Lâm (thành phố Hà Nội): Các vấn đề đặt ra rất “trúng và đúng”
Kỳ họp Quốc hội diễn ra trong thời điểm và bối cảnh đặc biệt của đất nước, nền kinh tế vừa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Lần đầu tiên, tăng trưởng kinh tế quý 3 giảm sâu và 9 tháng năm 2021 tăng trưởng ở mức thấp.
Luồng di cư ngược của đội ngũ lao động từ trung tâm kinh tế về nông thôn; việc học bị ảnh hưởng và xáo trộn nghiêm trọng; sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút, sức ép lạm phát cao trong năm tới.
Qua theo dõi kỳ họp của Quốc hội tôi thấy, các nội dung trao đổi rất phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội hiện nay của đất nước, từ chủ đề y tế trong phòng chống đại dịch, đến lao động việc làm, vấn đề giáo dục và đặc biệt là chủ đề kinh tế. Nói gọn lại các vấn đề đặt ra trong kỳ họp rất “trúng và đúng.”
Về chủ đề kinh tế, tôi đặc biệt ấn tượng với nội dung trả lời thẳng thắn, trách nhiệm và chất lượng, gợi mở nhiều giải pháp trong ngắn và trung hạn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chẳng hạn, Bộ trưởng đưa ra quan điểm ủng hộ nới bội chi và nợ công trong khoảng kiểm soát được. Bởi, nếu không nới bội chi và nợ công sẽ khó tăng trưởng. Nếu không tăng trưởng thì Việt Nam khó đạt mục tiêu 5 năm, chiến lược 10 năm và khát vọng đến năm 2045 là nước phát triển.
Đây là quan điểm đúng, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay của nước ta và cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế xử lý để khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng cũng đã đưa ra 5 nhóm giải pháp thực hiện mục tiêu kép, hay quan điểm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ… Đó đều là những nội dung cấp bách cần xử lý ngay để nền kinh tế phục hồi và tăng tốc trong thời gian tới.
Qua theo dõi kỳ họp Quốc hội lần này, tôi hài lòng với các nội trao đổi, tin tưởng vào những quyết sách, giải pháp của Quốc hội và Chính phủ đưa ra, thực thi trong thời gian tới./.
Ý kiến ()