Quốc hội giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại TP.HCM
Đoàn giám sát chỉ ra tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng tại TP.HCM chưa được giải quyết triệt để, gây thiệt hại lớn cho xã hội, đây là yếu tố gây lãng phí mà thành phố cần tập trung khắc phục.
Ngày 28/7, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV do Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Thủ Đức cơ bản đạt được các chỉ tiêu về tiết kiệm và thực hiện tương đối đúng, đầy đủ các yêu cầu chống lãng phí đã đề ra.
Đặc biệt, trong hai năm qua khi đại dịch COVID-19 bùng phát và gây nhiều tác động tiêu cực, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tiết giảm các khoản chi; trong đó, cắt giảm các khoản chi chưa cấp bách, chi hội họp, công tác… để phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các chính sách an sinh trên địa bàn; giao quyền tự chủ cho cơ quan, tổ chức; tiết kiệm trong tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các hoạt động trong xây dựng…
Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí tại Thành phố Hồ còn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là về vấn đề đất đai.
Theo đó, việc chậm phê duyệt phương án giá đất, thủ tục gia hạn hợp đồng thuê đất, gia hạn thời gian thực hiện dự án đầu tư, vướng mắc về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa; việc sử dụng mặt bằng không hiệu quả hoặc quyết định cho đất bỏ trống không sử dụng nhưng chậm thu hồi đã gây lãng phí nguồn lực đất đai tại địa phương.
Ngoài ra, công tác lập, thẩm định, phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập còn vướng mắc.
Pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công cũng chưa có quy định việc cho thuê tài sản được giao cho các đơn vị quản lý, giữ hộ nên khi triển khai gặp nhiều trở ngại, khó khăn.
Theo ông Phan Văn Mãi, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, việc chậm cổ phần hóa trong một số trường hợp cụ thể cũng được xem là làm chậm cả cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và không kịp thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đối với đầu tư công, thủ tục kéo dài làm tăng mức đầu tư…
Từ đó, thành phố kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm xem xét, ban hành Luật Đất đai sửa đổi; sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2021 ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án PPP.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là việc 100% các đơn vị sự nghiệp công lập ở thành phố đã thực hiện tự chủ về tài chính, giúp nguồn kinh phí của nhà nước cấp cho các đơn vị này giảm dần.
Đoàn giám sát đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công, tạo cơ chế thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về mặt tài chính.
Các thành viên Đoàn giám sát đã chỉ ra việc một số dự án trọng điểm quốc gia tại thành phố như dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành-Suối Tiên; Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành-Tham Lương đang chậm tiến độ, nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, làm giảm hiệu quả nguồn vốn, lãng phí ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng chưa được giải quyết triệt để, gây thiệt hại lớn cho xã hội. Nguyên nhân chính là do sự yếu kém trong quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, xây dựng.
Thành phố Hồ Chí Minh cần nhìn nhận đây là yếu tố gây lãng phí và tập trung khắc phục.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao trách nhiệm, sự nỗ lực của Tổ công tác và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng các cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị các nội dung báo cáo Đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phấn đấu cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp…
Đồng thời, thành phố đi sâu phân tích, đánh giá đầy đủ tác động trong việc ban hành các chính sách pháp luật, định mức tiêu chuẩn liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp.
Thành phố cần có thống kê cụ thể các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ để tránh lãng phí; báo cáo làm rõ nguyên nhân chủ quan và có kiến nghị cụ thể hoàn thiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Những vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của thành phố cần tập trung chỉ đạo khắc phục, tạo chuyển biến ngay./.
Ý kiến ()