Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và kết quả đạt được
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, với những kết quả nổi bật như chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế ấn tượng, dự kiến cả 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan, sáng 2/11. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá như trên khi phát biểu kết thúc nội dung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) ngân sách Nhà nước (NSNN), sáng 2/11.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, trong 2,5 ngày thảo luận tại hội trường đã có 94 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu, có 27 đại biểu tham gia tranh luận.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và 6 thành viên khác của Chính phủ là các Bộ trưởng: Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Y tế đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nhìn chung, không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn và mang tính xây dựng. Nội dung ý kiến phong phú, đa dạng, khá sâu sắc và toàn diện. Đa số ý kiến ĐBQH đều đánh giá cao và thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và 2 báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về các nội dung trên.
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN. Biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN của năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo.
Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2017, các ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017, đồng thời bày tỏ sự vui mừng với những kết quả nổi bật đã đạt được, đó là chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế ấn tượng, dự kiến cả 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch.
Nhiều lĩnh vực thế mạnh đã tăng trưởng khá và đóng góp vào sự phát triển chung như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, xuất khẩu, chế biến, chế tạo. Giảm bội chi NSNN, kiểm soát được nợ công, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về văn hóa-xã hội đều đạt và vượt, chính sách cho người có công được chú trọng, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, độc lập chủ quyền quốc gia được bảo vệ, công tác đối ngoại chủ động và hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt 6,7%, song cần đánh giá thêm về hiệu quả, tính bền vững và chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào vốn và phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năng suất lao động chưa được cải thiện rõ nét. Sự tăng trưởng chưa bền vững còn thể hiện ở vấn đề ô nhiễm môi trường, việc xử lý chất thải, rác thải. Còn nhiều khó khăn, thách thức trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời báo chí bên lề Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Một số ý kiến cho rằng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều vấn đề đặt ra. Chỉ số giá tiêu dùng, lĩnh vực xuất nhập khẩu, lao động việc làm, thị trường tài chính, thị trường bất động sản, giải quyết nợ xấu,…có khởi sắc, nhưng còn nhiều khó khăn là vấn đề cần phải tập trung giải quyết. Nợ công vẫn đang tăng nhanh là nguy cơ tạo ra sự bất ổn kinh tế vĩ mô.
Có ý kiến cho rằng, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu đạt được kết quả bước đầu, song chưa chuyển biến rõ ràng. Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước thực hiện còn chậm. Việc cổ phần hóa, thoái vốn khó đạt kế hoạch đề ra, còn tồn tại, hạn chế. Việc xử lý khắc phục 12 dự án thua lỗ còn khó khăn, có thể phát sinh thêm các dự án thua lỗ mới.
Công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài còn có vấn đề như chính sách thu hút đầu tư chưa công bằng giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Tình trạng kê giá, chuyển giá diễn ra ở một số doanh nghiệp FDI nhưng chưa được xử lý nghiêm. Việc tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp trong nước để đủ sức cạnh tranh còn nhiều hạn chế.
Nhiều ý kiến đại biểu lo lắng về tình trạng lãng phí vẫn lớn, nhiều biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức đang gây nhiều bức xúc trong xã hội. Cần có giải pháp tích cực phòng, chống thiên tai, nhất là liên quan đến công tác bảo vệ rừng, quy hoạch, bố trí dân cư ra khỏi những khu vực nguy hiểm.
Có ý kiến cho rằng việc phòng, chống dịch bệnh chưa tốt, tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh chưa cao. Giáo dục đại học và dạy nghề còn nhiều hạn chế. Vấn đề lao động và việc làm của người lao động ở cả thành thị và nông thôn còn nhiều bất cập. Chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội còn nhiều vấn đề phải được giải quyết. Công tác xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững cũng là những vấn đề được các đại biểu phân tích làm rõ.
Về thực hiện dự toán NSNN năm 2017, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc thực hiện dự toán NSNN 2017 là tích cực, có nhiều chuyển biến, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, bảo đảm cân đối NSNN.
Về thu NSNN, có ý kiến cho rằng tăng thu NSNN 2,5% so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách Trung ương ước khó đạt dự toán. Một số khoản thu không đạt dự toán như thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về chi NSNN, nhiều ý kiến cho rằng, chi NSNN năm 2017 đã bám sát nghị quyết Quốc hội, cơ bản bảo đảm nhiệm vụ chi của NSNN. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc phân bổ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn rất chậm, hiệu quả đầu tư chưa cao, còn nhiều lãng phí. Một khoản chi về an sinh xã hội thực hiện chậm. Nhiều ý kiến cho rằng kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo. Việc thực hiện cơ chế khoán kinh phí ở một số lĩnh vực chưa tích cực. Việc thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi, ưu tiên vốn cho đầu tư phát triển còn hạn chế.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về bội chi và nợ công, nhiều ý kiến cho rằng nợ công giữ được mức trong giới hạn cho phép, bội chi ngân sách đạt 3,42% GDP. Tuy nhiên, nợ công tăng nhanh, an toàn nợ công chưa cao, cần tiếp tục tăng cường kiểm soát nợ công, nhất là các khoản vay ODA của nước ngoài có khả năng vượt kế hoạch trung hạn và vượt dự toán NSNN năm 2017.
Về các giải pháp thực hiện trong các tháng cuối năm 2017, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất về giải pháp nhiệm vụ cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN những tháng còn lại của 2017 như báo cáo của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội, chính sách cho người có công; khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai bão lũ trong thời gian vừa qua; phòng, chống dịch bệnh; giữ trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018, kế hoạch tài chính NSNN 3 năm quốc gia 2018-2020, nhiều ý kiến thống nhất 2018 là năm bản lề cho kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 nên có ý nghĩa rất quan trọng. Dự báo, năm 2018 kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng khá hơn, song xu hướng tăng cường các biện pháp bảo hộ sẽ tác động đến thương mại của các nước.
Nhiều ý kiến cơ bản thống nhất với mục tiêu tổng quát các mục tiêu nhiệm vụ cụ thể về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 như báo cáo của Chính phủ. Có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát làm rõ các yếu tố chất lượng tăng trưởng, tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện hạn chế kinh doanh không cần thiết, có giải pháp để tăng hiệu quả đầu tư.
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý tài nguyên bảo vệ môi trường; chú trọng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, gắn với thị trường; tập trung kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, tạo điều kiện hạ lãi suất vốn vay, tăng cường đào tạo nghề cho nông dân; chú ý tới các địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, lũ lụt, biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn. Tăng cường thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp làm hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.
Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chú trọng đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, dân số; quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ. Giữ trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Có ý kiến đề nghị quan tâm đến củng cố chính quyền cấp cơ sở, chú ý đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc ít người.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp. Cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét điều chỉnh giờ làm việc của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp và khoa học.
“Ý kiến của các vị ĐBQH đã được Tổng Thư ký Quốc hội ghi âm và ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan liên quan của Chính phủ hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()