Quốc hội công bố giám sát tối cao về an toàn thực phẩm
Báo cáo với Quốc hội về kết quả giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP), giai đoạn 2011-2016, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ: Các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP được ban hành tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động về an toàn thực phẩm.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo. |
Hành lang pháp lý tương đối đủ…
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, số liệu thống kê từ các bộ và UBND của 63 tỉnh/thành phố cho thấy trong giai đoạn 2011-2016, hệ thống pháp luật về ATTP của Việt Nam đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do các cơ quan Trung ương ban hành, trong đó 08 văn bản Luật của Quốc hội, 34 Nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ, 08 Thông tư liên tịch, 40 Thông tư của Bộ Y tế, 54 Thông tư của Bộ NN&PTNT, 12 Thông tư của Bộ Công Thương, 02 Thông tư của Bộ Tài chính để quản lý ATTP, trong đó Luật ATTP là văn bản có hiệu lực cao, quy định khá đầy đủ, toàn diện các nội dung về quản lý ATTP. Đồng thời, các địa phương đã ban hành 1.253 văn bản quản lý (trong đó có 669 văn bản quy phạm pháp luật).
Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP đã được quan tâm ban hành đồng bộ hơn phục vụ yêu cầu quản lý ATTP.
Trong giai đoạn 2011-2016 đã có 365 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về thực phẩm, 29 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATTP được ban hành, riêng năm 2016 đã có 127 TCVN về ATTP được ban hành. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ thì con số TCVN mà các bộ, ngành đề nghị ban hành là 457, số quy chuẩn Việt Nam (QCVN) là 119 và quy định kỹ thuật về ATTP là 06. Như vậy, số lượng TCVN được ban hành chỉ chiếm 80%, QCVN chỉ chiếm 56,3% so với yêu cầu, trong khi đó thực phẩm thuộc loại hàng hóa nhóm 2 (bắt buộc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật). Hiện mới chỉ có 02 QCKT địa phương được ban hành là QCKT về rượu bưởi Tân Triều (tỉnh Đồng Nai) và rượu Xuân Thạnh (tỉnh Trà Vinh).
… nhưng ATTP vẫn… đáng báo động
Bên cạnh đó, Báo cáo giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác ATTP. Đó là, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về ATTP còn chậm, chưa được hệ thống hóa gây ảnh hưởng tới việc thực thi Luật; một số quy định chưa phù hợp với quản lý ATTP, tính khả thi chưa cao.
Luật ATTP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 nhưng đến 25/4/2012 mới ban hành Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP; hoặc đến năm 2014 mới ban hành Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT/BYT-BNNPTNT-BCT về phân công, phối hợp trong QLNN về ATTP.
Một số quy định về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP còn chồng chéo, chưa rõ ràng; một số lĩnh vực quản lý thiếu quy định, hướng dẫn cụ thể.
Luật ATTP đã được ban hành từ năm 2010 với nhiều đổi mới quan trọng, như: Tiếp cận quản lý ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất, bảo đảm truy xuất nguồn gốc thực phẩm; thu gọn đầu mối quản lý ATTP từ 5 bộ xuống còn 3 bộ chịu trách nhiệm chính trong quản lý ATTP, gồm: Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và có sự phân công cụ thể trách nhiệm quản lý ATTP của các bộ đối với từng nhóm sản phẩm. Tuy nhiên, các quy định này còn chưa phù hợp trong quản lý các sản phẩm “giao thoa” giữa các bộ hoặc giữa các bộ và địa phương, một số nội dung còn chồng chéo, thiếu rõ ràng; một số lĩnh vực quản lý còn thiếu hướng dẫn cụ thể.
Do đó, tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương; quản lý ATTP đối với rau, quả, thịt, sản phẩm thịt tươi sống, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật còn là khâu yếu; hàng nhập khẩu tiểungạch, hàng buôn lậu qua biên giới vẫn rất khó kiểm soát; số lượnghàng hóa vi phạm quy định về ATTP khi xuất khẩu còn cao; tình trạng vi phạm về quy định ATTP khá phổ biến trong nhiều loại hình kinh doanh thực phẩm; ATTP có lúc, có nơi đã đến mức báo động, ở giới hạn đỏ; việc kiểm soát ATTP theo chuỗi còn hạn chế, chủ yếu mới tập trung vào nguồn lực cho công tác kiểm soát điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở; việc kiểm soát quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa được chú trọng nên rất khó đánh giá mức độ ATTP; số lượng cơ sở thực phẩm được kiểm soát đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh chiếm tỉ lệ còn thấp; việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe; việc phân tích, đánh giá và quản lý nguy cơ đối với ATTP còn nhiều bất cập; truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn hầu như chưa được thực hiện;
Ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giám sát ATTP
Toàn cảnh Phiên họp. |
Đưa ra các giải pháp, kiến nghị cho vấn đề đang báo động đỏ này, Báo cáo giám sát nhấn mạnh: Đối với các giải pháp về cơ chế, chính sách, sớm tổng kết đánh giá 5 năm triển khai thi hành Luật ATTP và các văn bản pháp luật có liên quan; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển công nghệ chế biến nông sản theo hướng gia tăng giá trị.
Trong công tác tổ chức thực hiện, Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị về công tác bảo đảm ATTP; củng cố, kiện toàn các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực; tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc bảo đảm ATTP trên địa bàn; xây dựng hệ thống cảnh báo và phân tích nguy cơ ATTP làm cơ sở cho công tác quản lý ATTP dựa trên bằng chứng với việc hình thành hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ làm cơ sở khoa học cho công tác quản lý ATTP; đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi; kiểm soát chặt chẽ ATTP đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước khi đưa ra thị trường; xây dựng lộ trình xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực quản lý ATTP.
Về các giải pháp nguồn lực, Báo cáo của Quốc hội cho rằng, cần phải bảo đảm cấp đủ ngân sách Nhà nước cho hoạt động quản lý Nhà nước về ATTP theo dự toán; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành ATTP, đặc biệt ở cấp huyện, xã và xử lý nghiêm các vi phạm, cho phép sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP; xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính và một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng ATTP;
Tăng cường năng lực, điều kiện làm việc cho đội ngũ chuyên trách ATTP cả ở Trung ương và địa phương đủ để đáp ứng yêu cầu quản lý ATTP trên phạm vi toàn quốc; đẩy mạnh công tác đào tạo tại các trường đại học, có mã ngành đào tạo về ATTP và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức đào tạo lại cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm ATTP tại các tuyến; từng bước tăng tỉ lệ cán bộ có trình độ đại học, trên đại học; tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực vận động sự hỗ trợ của các nước, Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế cho công tác bảo đảm ATTP.
Trên cơ sở đó, Báo cáo kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết kết quả hoạt động giám sát về đẩy mạnh việc thực thi chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2016 –2020. Đồng thời, xem xét sửa đổi một số văn bản pháp luật có liên quan để tạo thuận lợi cho công tác quản lý ATTP như Luật ATTP, Luật Đầu tư, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa… theo đề xuất của Đoàn giám sát tại mục II phần thứ nhất trong Báo cáo giám sát. Sớm hoàn thành, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý đối với hành vi tội phạm về ATTP.
Chính phủ hằng năm báo cáo với Quốc hội về kết quả thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm vào kỳ họp cuối năm.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()