Quốc hội cho ý kiến về ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội Việt Nam-Hàn Quốc
Quy định hiện hành đang làm phát sinh nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội song trùng, nghĩa là người lao động của Việt Nam và Hàn Quốc phải đóng bảo hiểm ở cả hai nước.
Sáng 22/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Hàn Quốc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận.
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày, quy định áp dụng bảo hiểm xã hội hiện nay đang làm phát sinh nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội song trùng.
Cụ thể, người lao động Việt Nam khi làm việc tại Hàn Quốc sẽ vừa phải đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vừa phải đóng bảo hiểm xã hội theo Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc và người lao động Hàn Quốc tại Việt Nam cũng phát sinh nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội song trùng tương tự.
Để bảo đảm tuân thủ pháp luật của nước người lao động, tránh đóng song trùng bảo hiểm xã hội, đồng thời tối ưu hóa quyền lợi của người lao động là công dân hai nước, từ năm 2015 đến nay, chính phủ hai nước đã trao đổi, đàm phán và về cơ bản đã thống nhất nội dung dự thảo Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa hai nước.
Việc tiến tới ký kết Hiệp định là ghi nhận kết quả quá trình đàm phán giữa chính phủ hai nước và cũng là tiền đề để Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động đàm phán Hiệp định về bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội do Chủ nhiệm Vũ Hải Hà trình bày, đây là hiệp định toàn diện về bảo hiểm xã hội song phương đầu tiên của Việt Nam.
Ủy ban Đối ngoại nhất trí về sự cần thiết ký hiệp định nhằm tránh tình trạng đóng bảo hiểm xã hội hai lần, tối ưu hóa quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động mỗi nước, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966 của Liên hợp quốc.
Việc ký các hiệp định bảo hiểm xã hội song phương cũng phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế; rà soát, sửa đổi các quy định về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gắn với việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, việc ký kết Hiệp định góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và số lao động Hàn Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng và tạo tiền đề thuận lợi cho việc ký các hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội với các quốc gia có quan hệ hợp tác về lao động với Việt Nam.
Trong nội dung của dự thảo hiệp định có 2 nội dung chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội. Đó là chưa quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở nước ngoài vào tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để hưởng chế độ hưu trí.
Luật cũng chưa quy định về việc xác định mức lương hưu hằng tháng đối với lao động nữ có dưới 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và lao động nam có dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trong trường hợp cộng gộp thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của hiệp định.
Trên cơ sở tờ trình của Chính phủ và các văn bản có liên quan, Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý việc Chính phủ ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Hàn Quốc; đồng thời đề nghị Chính phủ sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 trình Quốc hội theo quy định nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và để Hiệp định này sớm được thực thi đầy đủ trên thực tế.
Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu về cơ bản nhất trí với sự cần thiết của việc ký hiệp định. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng bảo hiểm xã hội là một trụ cột cơ bản của an sinh xã hội, quyền được bảo hiểm an sinh xã hội là một trong những quyền cơ bản của công dân do đó đề nghị cần giải trình, làm rõ các nội dung của Hiệp định, nhất là các nội dung chưa được quy định trong luật có “làm thay đổi” hay không quyền cơ bản của công dân như quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 29 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 nhằm để xác định thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hay Quốc hội phê chuẩn đối với Hiệp định này.
Cũng có ý kiến cho rằng việc lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan còn thực hiện trong diện hẹp, chưa có ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, trong khi tác động không phải là nhỏ; đề nghị Chính phủ giải trình kỹ hơn về một số vấn đề liên quan như việc thực hiện hiệp định có cần dự liệu điều chỉnh các quy định của pháp luật khác có liên quan hay không.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu tại Việt Nam vẫn phải theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Cùng với đó cần đánh giá tác động tới Quỹ Bảo hiểm xã hội của nước ta.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu, khẳng định sẽ đánh giá tác động kỹ lưỡng.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý về nguyên tắc ký kết Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Hàn Quốc; đồng thời lưu ý, việc ký Hiệp định phải phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, phù hợp với luật pháp Việt Nam, đẩy mạnh đàm phán, ký kết Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội.
Việc này góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc, nhất là trong bối cảnh người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và lao động Hàn Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng.
Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ có văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan hoàn thiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Căn cứ vào ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ quyết định ký Hiệp định theo quy định của Luật Điều ước quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và để Hiệp định này sớm được thực thi đầy đủ trên cơ sở thực tế./.
Ý kiến ()