Quốc hội: Cân đối nguồn trả nợ để đảm bảo an ninh tài chính
Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài chính trong triển khai các dự án PPP; giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng vững và phát triển sau suy thoái….
Trả lời băn khoăn của đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong triển khai các dự án PPP, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2011/NĐ-CP ngày 5/4/2011 về sửa đổi một số điều của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng-chuyển giao-kinh doanh (BTO), hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT).
Chính phủ đã ban hành Nghị định 108 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24 quy định các hình thức đầu tư BOT và BTO. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg năm 2010 về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Đến nay có 298 dự án đăng ký theo hình thức PPP, trong đó có 4 dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo chủ trương đầu tư, 3 dự án đang lấy ý kiến, 6 dự án hoàn thành các thủ tục.
Theo quy định của các Nghị định, Quyết định trên, Bộ Tài chính đã tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy hoạch danh mục các dự án của các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo hình thức PPP; tham gia ý kiến lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán hợp đồng; tham gia thẩm tra dự án; hướng dẫn thực hiện chi phí dự án; thẩm tra chỉ tiêu tài chính hợp đồng, điều kiện và hình thức thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền đối với các dự án và tổng hợp đánh giá thực hiện các dự án để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 166 quy định quản lý, sử dụng và chi phí dự án và kinh phí hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý dự án. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, với các giải pháp đã thực hiện, Bộ Tài chính đã đảm bảo thanh toán cho các dự án đúng định mức, hướng dẫn tháo gỡ kịp thời vướng mắc của dự án, hoàn thành trách nhiệm của Bộ trong triển khai các dự án PPP.
Về các giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng vững và phát triển sau suy thoái, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, vừa qua Luật quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, theo đó, doanh nghiệp có doanh thu không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 20%.
Theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ được giảm tần suất kê khai thuế giá trị gia tăng từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm, tức là chuyển từ kê khai hàng tháng sang kê khai hàng quý, góp phần giảm áp lực về vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, năm 2011, quỹ bão lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập đã hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, dự kiến thời gian tới, Bộ sẽ trình cấp thẩm quyền các giải pháp gia hạn nộp thuế, không thu tiền phạt chậm nộp với doanh nghiệp khó khăn; hoàn nhanh thuế giá trị giá tăng với các dự án đầu tư trên 100 tỷ đồng trở lên mà phải vay ngân hàng để nhập khẩu máy móc thiết bị; gia hạn nộp thuế tối đa 2 năm đối với dự án chưa được thanh toán vốn đầu tư cơ bản.
Bộ miễn thuế thu nhập cá nhân với chủ tàu hậu cần khai thác cá xa bờ; miễn thuế thu nhập cá nhân thuyền viên người Việt Nam làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài; khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa tạo cố định của các dự án xã hội hóa y tế, giáo dục; đồng tời tăng cường các giải pháp chống chuyển giả, chống gian lận thuế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp hoạt động trong tình hình khó khăn…
Trả lời băn khoăn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về giá thuốc, quản lý giá thuốc, hiệu quả quản lý giá thuốc, tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến cho rằng, hiện nay Việt Nam vẫn quản lý giá thuốc theo Luật Dược năm 2005 và gần đây là theo Luật giá.
Hai năm gần đây, Bộ Y tế quản lý giá thuốc bằng Thông tư, cụ thể là Thông tư 01, gần đây là Thông tư 11, 36, 37. Những điểm mới trong các Thông tư này là đã phân chia thuốc thành các nhóm thuốc đạt tiêu chuẩn … Điều này góp phần cho hoạt động đấu thầu giá thuốc được công khai, minh bạch, khách quan hơn khi để các nhóm thuốc lẫn với nhau.
Về quản lý thuốc ở Việt Nam, Bộ trưởng Kim Tiến cho biết, hiện nay ở Việt Nam có hai loại thuốc lớn: thuốc quản lý theo chi trả của ngân sách nhà nước và thuốc không thuộc ngân sách nhà nước.Theo đó, các nước trên thế giới chỉ quản lý thuốc do ngân sách chi trả còn thuốc thị trường do thị trường chi phối. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cả hai loại thuốc đều được quản lý chặt chẽ về giá.
Về giá thuốc Việt Nam so với các nước trong khu vực, Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến khẳng định, mặc dù là mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu nhưng giá thuốc Việt Nam đứng thứ 8 và thứ 9 trong xếp hạng chỉ số giá tiêu dùng CPI. Bộ Y tế đã tổ chức đoàn khảo sát gồm Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, các chuyên gia khảo sát 36 mặt hàng phổ biến trong các bệnh viện ở hai nước Trung Quốc và Thái Lan. Theo đó, giá thuốc ở Việt Nam thấp hơn 1,5 lần đến 2 lần so với giá thuốc ở Trung Quốc và thấp hơn từ 2 đến 3 lần so với giá thuốc tại Thái Lan.
Để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thuốc nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam;” xây dựng Đề án “Những ngôi sao Việt” bình chọn những thuốc Việt đạt chất lượng cao, giá thành vừa phải. Nhờ đó, chất lượng thuốc nội ngày càng tăng cao, tỷ lệ người Việt Nam sử dụng thuốc Việt thời gian qua tăng gấp đôi…
Kết thúc nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao các câu hỏi của các đại biểu đã đi vào chi tiết, cụ thể, ngắn gọn. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và giải trình của các Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn, cởi mở, đúng trọng tâm, trọng điểm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các Bộ trưởng quan tâm giải quyết để thực hiện có kết quả các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra về nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia; cân đối thu-chi ngân sách nhà nước, kỷ luật tài khóa; tình trạng chuyển giá, hoàn thuế sai và trốn thuế, gian lận trong kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước; công tác quản lý, kiểm soát và bình ổn giá thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp tới đời sống nhân dân như xăng dầu, điện và vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
Cũng trong phiên chất vấn sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đăng đàn trả lời chất vất các đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến chất lượng đào tạo hệ đại học, dạy nghề; đổi mới chương trình sách giáo khoa, công tác quản lý xuất bản sách giáo khoa và sách tham khảo.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền sẽ tham gia giải trình làm rõ hơn những vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()